TỪ ĐIỂN

Tra theo từ điển:


LỊCH

DỰ BÁO TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI VỤ HÈ THU, VỤ MÙA NĂM 2023

Phòng BVTV | 236 lần xem | 1 Đính kèm | 0 bình luận

Để chủ động chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2023 đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết và sinh vật gây hại cây trồng; Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung sau đây:

I. ĐỊNH HƯỚNG VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ SINH VẬT HẠI CÂY TRỒNG VỤ HÈ THU 2023

Để thực hiện tốt công tác dự tính dự báo các đối tượng sinh vật hại cây trồng nhằm xây dựng biện pháp quản lý hiệu quả, cần thực hiện một số công tác sau:

- Sử dụng hệ thống bẫy đèn tại các vùng trọng điểm lúa để xác định thời điểm trưởng thành ra rộ để có biện pháp quản lý sinh vật gây hại thích hợp.

- Tổng hợp cơ cấu giống, lịch thời vụ của từng địa phương để làm cơ sở cho việc dự tính dự báo sinh vật gây hại đầu vụ và các đợt cao điểm. Đặc biệt chú ý những khu vực sinh vật thường phát sinh gây hại.

- Theo dõi trạm khí tượng thông minh iMetos để quản lý và truy xuất dữ liệu thời tiết ứng dụng vào công tác dự báo, cảnh báo sinh vật gây hại.

- Tiếp tục triển khai hoạt động mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở ở các huyện để tăng cường công tác dự tính dự báo và chủ động phòng, chống sinh vật hại tại các địa phương.

- Điều tra phát hiện, dự tính dự báo sinh vật gây hại cây trồng để hướng dẫn biện pháp phòng trừ kịp thời đến nông dân thông qua các thông báo sinh vật gây hại, phương tiện thông tin đại chúng và website của Chi cục. Trong giai đoạn sinh vật gây hại nặng, cán bộ kỹ thuật xuống địa phương hướng dẫn phòng trừ trực tiếp.

- Tổ chức phát động các đợt ra quân diệt chuột, lấy tháng 5 hằng năm phát động phong trào diệt chuột sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI CÂY TRỒNG VỤ HÈ THU 2023

1. Nhận định xu hướng thời tiết

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2023 với xác suất từi 80-90%; sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha El Nino. Nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,50C so với trung bình nhiều Năm (TBNN). Từ tháng 5 đến tháng 9/2023, tổng lượng mưa (TLM) phổ biến xấp xỉ so với TBNN. Tháng 10/2023, TLM ở mức thấp hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 5/2023, mực nước trên các song ở Trung Bộ và Tây Nguyên biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Trong tháng 6 và tháng 7/2023, lượng dòng chảy trên các song ở Trung Bộ và khu vực phía Bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 15-50%.

Nguồn nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, với tổng nhu cầu dung nước trong vụ Hè Thu cơ bản đáp ứng diện tích tưới theo kế hoạch. Tuy nhiên, dự báo lượng mưa tại các trạm (Sơn Hòa, Phú Lâm, Tuy Hòa, Củng Sơn) tiếp tục giảm và có khả năng thấp hơn từ 10-30%. Vì vậy, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước vụ Hè Thu 2023 ở các vùng ngoài công trình thủy lợi, khu vực cao, xa khu tưới.

2. Lịch thời vụ, cơ cấu giống và dự báo sinh vật gây hại trên cây lúa

- Khu vực chủ động tưới trong hệ thống thuỷ nông và các hồ đập gieo sạ từ ngày 20/5/2022 đến 10/6/2022 (nhằm ngày 02/4 – 23/4 âm lịch); trà sớm gieo sạ trước 19/5/2023; trà chính vụ gieo sạ từ ngày 20/5 - 10/6/2023; trà muộn gieo sạ sau ngày 11/6/20223.

- Cơ cấu giống lúa:

+ Các giống chủ lực: ĐV108, ML48, Đài thơm 8, ANS1 (An sinh 1399).

+ Các giống bổ sung: MT10, CH133, OM2695-2, QN9, ML213, ĐH815-6, BĐR27, TBR-1, HT1, Q5, Hương Châu 6, VNR20, OM4900, OM5451, TBR225, PY8, PY10, OM18, OM429, Lộc Trời 4, ML232...

+ Các giống triển vọng: BĐR87, BĐR57, BĐR999, ĐB6, VNR10, TBR97, VN1121, Lộc Trời 28 và các giống lúa đã được cấp phép lưu hành trong sản xuất; khuyến khích sử dụng các giống lúa chất lượng cao, giống lúa chịu mặn, chịu hạn.

3. Một số sinh vật gây hại chính

Căn cứ dự báo thời tiết, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng và quy luật phát sinh sinh vật gây hại qua các năm gần đây; dự báo tình hình một số sinh vật gây hại chính trong vụ Hè Thu 2023, vụ Mùa năm 2023 như sau:

3.1. Cây lúa

a) Chuột gây hại: Qua nhiều năm, công tác phòng trừ chuột luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, các hoạt động phòng trừ được triển khai đồng bộ, hiệu quả và phong trào diệt chuột đồng loạt, xuyên suốt được thực hiện rộng rãi trong nhân dân nên đã hạn chế nhiều tác hại của chuột trên đồng ruộng. Phát huy những kết quả trên, Chi cục phát động chiến dịch ra quân “Tháng diệt chuột” vào tháng 5 hằng năm.

Dự báo trong vụ Hè Thu và vụ Mùa 2023 chuột vẫn tiếp tục phát sinh gây hại. Vì vậy, công tác diệt chuột cần được chú trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều biện pháp như sau:

  • Giai đoạn trước khi gieo sạ:

+ Tổ chức phát động chiến dịch “Tháng diệt chuột” tại các địa phương nhằm tuyên truyền phong trào diệt chuột đến với mọi người dân.

+ Triển khai ra quân đào bắt vào thời gian trước gieo sạ ở nơi gò đồi, bờ cao nơi chuột sinh sống.

- Giai đoạn làm đất lần cuối trước khi gieo sạ: Đây là thời điểm diệt chuột có kết quả cao vì ruộng chưa có lúa, chuột thiếu thức ăn. Nên sử dụng biện pháp đánh bã diệt chuột (bã diệt chuột Rat-Kill 2% DP của Viện BVTV), thuốc hoá học đồng loạt và làm ruộng bẫy cây trồng.

- Giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ: Lúa còn nhỏ diệt chuột có hiệu quả hơn lúa lớn. Sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột như bẫy hàng rào, bẫy bán nguyệt, dùng đèn soi đuổi bắt, nôm chụp kết hợp với đánh bả bằng thuốc sinh học và hóa học.

Chú ý: (1) Nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc chuột không rõ nguồn gốc; (2) Nghiêm cấm sử dụng điện để trừ chuột dưới mọi hình thức (trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng điện để diệt chuột thì các địa phương căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính).

b) Rầy nâu và rầy lưng trắng (RN-RLT): Vụ Hè Thu 2023, RN-RLT sẽ phát sinh gây hại. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mật độ sạ dày, giống nhiễm rầy, bón phân không cân đối, nếu không phát hiện kịp thời và phòng trừ hiệu quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.

Theo quy luật, rầy lưng trắng và rầy nâu sẽ phát sinh gây hại lần lượt trên ruộng lúa khoảng 30 ngày và 50 ngày sau sạ. Do đó, cần phải có biện pháp quản lý RN – RLT hiệu quả và bền vững ngay từ đầu vụ. Để hạn chế các địa phương cần tích cực ngăn ngừa sự phát sinh bằng cách sử dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ. Khi mật độ rầy nâu trên đồng ruộng phát triển cao kết hợp các yếu tố thời tiết và cây trồng thuận lợi cho rầy nâu phát triển, cần tham khảo ý kiến cơ quan BVTV để quyết định việc phun thuốc phòng trừ.

c) Các đối tượng sinh vật gây hại khác trên cây lúa

- Nhện gié: Thời tiết nóng và khô vụ Hè Thu thích hợp cho nhện gié phát triển và gây hại. Đồng thời, việc gieo sạ dày, bón nhiều đạm và thói quen sử dụng nhiều thuốc trừ sâu ngay từ đầu vụ của người dân đã làm giảm mật số thiên địch trên đồng ruộng, làm tăng sự gây hại của nhện gié.

- Bệnh khô vằn: Thời tiết nắng nóng, mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ phát sinh, lây lan và gây hại nặng. Bệnh gây hại nặng trên những diện tích gieo trồng được bón nhiều phân đạm, sạ dày, đất yếm khí, sử dụng các giống ML48, PY2, ĐV108, ML213 … Bệnh xuất hiện và gây hại từ giai đoạn đẻ nhánh, nặng nhất từ giai đoạn đòng - trỗ, làm giảm năng suất nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời.

- Bệnh thối thân (thối gốc): Bệnh thối thân (thối gốc) trên cây lúa do vi khuẩn gây ra làm nghẽn mạch, gây héo, sau đó chết vàng từng chồi lúa. Bệnh lây lan nhanh, cây lúa chết từng chòm nếu nhiễm nhẹ hoặc chết cả ruộng lúa nếu nhiễm nặng. Bệnh thường xuất hiện trên các giống nhiễm như ĐV108, ML48, ... Chân ruộng bị phèn, ngập nước, chăm sóc kém thường bị bệnh nặng hơn.

- Bệnh thối thân (tiêm hạch), thối bẹ: Vết bệnh thối thân do nấm xuất hiện đầu tiên ở mặt ngoài bẹ lá, vị trí gần mặt nước dưới dạng các vết nhỏ không đều, màu nâu hoặc đen nhạt. Sau đó vết bệnh lớn dần, đồng thời nấm xâm nhập sâu vào phía trong thân. Trời nắng nóng cây bệnh bị héo nhanh và chết. Cây bị bệnh sớm sẽ bị khô nhanh khi chín và dễ bị đổ ngã khi gặp mưa.

Bệnh xuất hiện và gây hại trên bẹ lá đòng vào thời kỳ sắp trỗ bông, đặc biệt trên chân ruộng trũng. Bệnh làm cho bông lúa và hạt lúa bị ngắn lại. Bị bệnh sớm cây lúa có bông trỗ không thoát, đồng thời hạt lúa bị lép và biến màu. Bệnh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ, nhiệt độ cao.

- Bệnh đen lép hạt: Bệnh phát sinh, phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, thường xuất hiện giai đoạn chín sữa, nhưng nếu bị bệnh sớm vào giai đoạn khoảng 4 - 5 ngày sau trỗ (trỗ trên 40%) thì mức độ tác hại của bệnh sẽ nặng hơn.

Ngoài ra, một số sinh vật gây hại khác như ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, đục thân, … sẽ phát sinh gây hại cho lúa vụ Hè Thu; gây hại nặng ở những ruộng sạ dày và bón phân không cân đối. Do đó, cần có chế độ canh tác phù hợp và chăm sóc tốt, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng khi thật cần thiết nhằm tránh bộc phát sinh vật hại.

3.2. Sinh vật gây hại trên cây trồng khác

- Cây ngô: Sâu keo mùa thu, sâu đục thân tiếp tục gây hại trên những diện tích trồng ngô trên địa bàn tỉnh.

- Cây rau, đậu: Điều kiện thời tiết vụ Hè Thu phù hợp cho các loại sâu bệnh hại phát triển như: Sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, bọ nhảy, bọ trĩ, … trên các loại rau ăn lá và sâu vẽ bùa, dòi đục lá, … trên cây họ đậu. Ngoài ra còn có các bệnh nguy hiểm như: sương mai, thán thư, đốm lá, thối thân, thối gốc, … cũng gây hại phổ biến.

Cần hướng dẫn nông dân thực hiện giải pháp IPM để bảo vệ cây trồng, khuyến khích nông dân sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục sử dụng cho cây rau, chú trọng dùng thuốc trừ sâu sinh học. Tuân thủ thời gian cách ly để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Người trồng rau cần thực hiện việc trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Cây sắn: Bệnh khảm lá virus hại sắn có thể gia tăng về diện tích, do nông dân tiếp tục trồng mới bằng các giống đã bị nhiễm bệnh và lây lan qua bọ phấn trắng. Trong điều kiện khô hạn, cần chú ý theo dõi rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bệnh chổi rồng phát sinh gây hại. Do đó, tăng cường điều tra phát hiện để có biện pháp phòng trừ kịp thời. 

- Cây mía: Sâu đục thân, bệnh đốm vòng, đốm vàng, khô lá … sẽ phát sinh gây hại.

- Cây tiêu: Bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng hại rễ, vàng lá … tiếp tục gây hại.

III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG SINH VẬT HẠI CÂY TRỒNG

Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Phát hành dự báo tình hình sinh vật hại vụ Hè Thu trên các cây trồng chính của địa phương; xây dựng phương án, kế hoạch, hướng dẫn phòng, chống sinh vật hại cây trồng cụ thể cho từng sinh vật hại chính.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn đến hộ nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, … để hạn chế sự phát sinh phát triển của sinh vật hại ngày từ đầu vu. Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi chưa thật sự cần thiết. Khi sử dụng thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

- Tăng cường công tác phòng trừ chuột, bảo vệ sản xuất trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT (tại Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19/12/2018), UBND tỉnh (tại Công văn số 285/UBND-KT ngày 14/01/2019), Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Công văn số 807/SNN-TTBVTV, ngày 29/4/2021). Hướng dẫn số 38/HD-TTBVTV ngày 27/4/2023 về các biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 5967/CT-BNN-BVTV, ngày 06/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Chỉ thị số 21/CT-UBND, ngày 05/10/2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 4962/CT-BNN-BVTV, ngày 15/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Công văn số 4349/UBND-KT, ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh; Công văn số 363/SNN-TTBVTV, ngày 4/3/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô.

- Theo dõi, nắm chắc diễn biến và xu hướng phát triển của sinh vật gây hại, chủ động dự báo, hướng dẫn và tham mưu UBND; phối hợp phòng Nông nghiệp/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng trừ kịp thời, nhất là các vùng có nguy cơ sinh vật hại gây hại nặng.

 - Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, quản lý thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ở địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Để phòng, chống các đối tượng sinh vật gây hại trên một cách có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đề nghị các cơ quan liên quan và các địa phương cần tổ chức thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại để áp dụng các biện pháp phòng, chống thích hợp./.

Gửi bình luận

Vui lòng đợi ...