Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt; Công văn số 285/UBND-KT ngày 14/01/2019 của UBND tỉnh Phú Yên về tăng cường công tác phòng trừ chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt; Công văn số 807/SNN-TTBVTV ngày 29/4/2021 về tăng cường công tác phòng trừ chuột bảo vệ sản xuất; Chi cục Trồng trọt và BVTV (Chi cục) hướng dẫn các biện pháp diệt chuột như sau:
1. Đặc điểm sinh học và gây hại
1.1. Thức ăn
Chuột là loại ăn tạp, thức ăn chủ yếu là thực vật xanh, ngũ cốc; ngoài ra, chuột còn ăn cả cá con, ốc sên, ốc bươu vàng, cua,… Đặc trưng cơ bản của chuột là có răng cửa rất mạnh và có khuynh hướng mọc dài do đó để mài răng trong nhiều trường hợp, chuột cắn phá nhiều hơn là ăn. Do đó, các loại vật liệu dùng làm mồi phải hấp dẫn chuột mà trên ruộng không có và cần thay đổi để tránh nhàm chán; trong thời kỳ dư thừa thức ăn hoặc có sẵn nguồn thức ăn ưa thích của chuột (như lúa đòng – chín) chuột ăn bả, thuốc giảm và ngược lại.
1.2. Đặc điểm sinh học
- Chuột rất thính tai, có khả năng cảm nhận mùi, vị rất tốt và có tính đa nghi nên hay nghi ngờ chỗ lạ, thức ăn lạ, mùi lạ. Do đó, khi đặt bẫy cần đặt sát chân tường, bờ ruộng, trên đường mòn quen thuộc chuột hay đi lại; khi tổ chức đánh bả, cần cho chuột ăn mồi không có thuốc độc trước 2 - 3 ngày, rồi sau đó mới trộn thuốc vào bả để tránh hiện tượng “nhát bả”; dùng muỗng để lấy bả, thuốc thay cho dùng tay trần vì hơi người có thể lưu lại, hoặc bẫy sau khi bắt chuột cần được làm sạch mùi; các vật liệu dùng để lót bả, thuốc đồng nhất với môi trường
- Chuột thường sống trong hang, dưới đất, nhất là ở bờ ruộng lúa, vào giai đoạn đòng – trỗ và trong khi mang thai, sinh sản, chuột mẹ không ra ngoài kiếm ăn khoảng 10 – 15 ngày, lúc này biện pháp như đào bắt có hiệu quả, nhưng khi lúa trỗ - chín, chuột rời hang, vào sống trong ruộng, nhiều khi làm tổ trên cây lúa; do đó, các biện pháp như đào bắt, bẫy ở giai đoạn này hiệu quả kém.
- Chuột bơi lội giỏi, nhưng không thích nước; do đó, năm nào hạn nặng, năm đó chuột nhiều, những ruộng nhiều nước chuột ít hoạt động.
1.3. Gây hại
Chuột chủ yếu hoạt động và gây hại vào ban đêm; trên ruộng, chuột phá hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa, nếu bị hại sớm, lúa có thể phục hồi, tạo ra dảnh mới nhưng hại nặng nhất vào giai đoạn đòng – trỗ, lúc này chúng ăn đòng non (có vị ngọt) hay cắn ngang lúa, ăn hạt.
2. Một số biện pháp phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất
2.1. Biện pháp canh tác
- Vệ sinh đồng ruộng: Phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột.
- Thời vụ: Cần xác định thời vụ thích hợp, ở những vùng thường bị chuột hại nặng cần gieo trồng và thu hoạch đồng loạt. Cắt đứt nguồn thức ăn để chuột đói và dễ dàng ăn mồi bả hơn.
- Giữ mực nước cao trong ruộng vào giai đoạn đòng – trỗ để hạn chế chuột gây hại hoặc làm tổ trên ruộng.
2.2. Biện pháp vật lý, cơ học (thủ công)
Đây là biện pháp diệt chuột hiệu quả cao nhất, cần phát động chiến dịch diệt chuột ở tất cả các địa phương có sản xuất nông nghiệp. Tổ chức diệt chuột đồng loạt, trên diện rộng, huy động mọi lực lượng: nông dân, các tổ chức đoàn thể ... tham gia (diệt chuột cộng đồng). Có thể áp dụng một số biện pháp để bắt chuột như sau:
- Dùng đèn để soi bắt chuột vào ban đêm.
- Đào bắt, hun khói hoặc đổ nước vào hang chuột cho chuột chạy ra và dùng đơm, đó, chà dy để bắt ...
- Thời gian tổ chức các đợt đào bắt chuột:
+ Giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (khi đồng ruộng không có lúa), tốt nhất ở thời kỳ đổ ải, làm đất đồng loạt.
+ Khuyến khích nông dân đào bắt chuột vào giai đoạn lúa làm đòng (là thời kỳ chuột cái đẻ - nuôi con tăng hiệu quả diệt chuột) và giai đoạn sau thu hoạch.
- Sử dụng các loại bẫy (bẫy bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy dính …) đặt ngay trên lối đi của chuột và nơi chuột gây hại.
- Bẫy cây trồng: Mỗi cánh đồng khoảng 100 ha sử dụng 3 - 5 ruộng bẫy cây trồng (500 - 1.000 m2), được gieo sạ trước thời vụ khoảng 15 ngày. Chú ý hướng di chuyển của chuột để cửa bẫy hom mở về phía đó.
* Lưu ý: Không được sử dụng điện để diệt chuột; khi đào bắt chuột phải hoàn trả lại hiện trạng, không làm ảnh hưởng và hư hỏng các công trình thủy lợi, bờ ruộng, bờ kè, cầu cống ...
2.3. Biện pháp sinh học
- Bảo vệ và sử dụng các loài động vật là thiên địch của chuột như: chó, mèo, rắn, chim cú mèo, chim lợn …
- Khuyến khích phát triển đàn mèo, chó để săn bắt chuột, đặc biệt ở các hộ dân gần khu vực chuột trú ngụ; vùng chuột thường xuyên gây hại nặng; khu vực dân cư gần cánh đồng.
- Sử dụng một số chế phẩm sinh học hiện có trên thị trường, thuốc có tác dụng gây bệnh và lây bệnh trong đàn chuột nên hiệu quả cao và an toàn cho môi trường.
2.4. Biện pháp hóa học
- Sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường như các hoạt chất: Bromadiolone (Killrat …), Warfarin (Rat K , Rat-Kill …), Coumatetralyl (Racumin …), Flocoumafen (Storm …); chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng.
- Cách đặt bả: Đặt bả vào lúc chiều mát trước khi trời tối, tránh trời mưa. Bổ sung mồi bả vào chiều tối ngày hôm sau nếu chuột ăn hết mồi bả, nên đặt bả liên tục từ 3-6 đêm liền. Đặt bả thành mô trên đường đi lại của chuột, gần cửa hang, nơi chuột đang phá hại, bờ mương ... khoảng cách giữa các mô bả tùy theo mật độ chuột trên đồng ruộng.
- Một số lưu ý:
+ Người trực tiếp trộn thuốc và đặt bả phải sử dụng bảo hộ lao động như đeo khẩu trang và găng tay.
+ Thu xác chuột chết để tiêu hủy không làm ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường.
+ Trong trường hợp bị ngộ độc do tiếp xúc với thuốc phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến các biện pháp diệt chuột đến các địa phương, cơ sở sản xuất nông nghiệp và người nông dân./.