Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là hệ thống quản lý dịch hại căn cứ vào môi trường, các điều kiện sinh thái cụ thể và sự biến động quần thể của các loài sinh vật gây hại mà sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp để khống chế quần thể sinh vật gây hại luôn ở mức dưới ngưỡng gây hại kinh tế. Việc ứng dụng IPM vào sản xuất làm giảm được lượng thuốc BVTV trên đồng ruộng, bảo vệ được thiên địch có ích như: ếch nhái, rắn, chim, ong, bọ rùa, nhện vồ mồi v.v… Chương trình IPM phù hợp với các phương pháp kỹ thuật cải tiến trong nông nghiệp hiện nay, nâng cao dân trí, giảm nghèo ở nông thôn và góp phần đắc lực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.
Căn cứ Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Phê duyệt đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020”; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 24/9/2015 của UBND tỉnh Phú Yên về “Triển khai Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, giai đoạn từ 2015-2020 tại tỉnh Phú Yên” (gọi tắt Kế hoạch số 125/KH-UBND); Công văn số 1579/SNN-NN ngày 30/9/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND; Vụ Hè Thu 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên đã triển khai 09 lớp Huấn luyện nông dân IPM trên lúa và rau và 05 mô hình ứng dụng IPM cây lúa. Lớp huấn luyện nông dân áp dụng IPM vào sản xuất cây lúa (hoặc rau) triển khai trên tất cả các huyện, thị xã và thành phố, mục đích hướng dẫn, nâng cao dân trí cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp bền vững thông qua các biện pháp thâm canh, giảm sử dụng hóa chất, giảm lượng giống gieo sạ, biện pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách… Mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (mô hình ứng dụng IPM) được triển khai tại các huyện, thành phố gồm Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân và Tp. Tuy Hòa với quy mô diện tích từ 5-10ha, nhằm mục đích áp dụng thực tế các biện pháp thâm canh bền vững nhằm giảm sử dụng hóa chất, giảm nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, luân canh cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát sâu hại, xử lý nguồn rơm rạ để cải tạo đất, sử dụng giống chống chịu.
Kết quả của chương trình sau thực hiện: Việc ứng dụng IPM đã góp phần đưa năng suất lúa ước đạt trên 73 tạ/ha; phương pháp sử dụng phân đơn nên chi phí thấp nhưng cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn vì cân đối được hàm lượng N-P-K; giảm lượng giống gieo sạ 4-5 kg/sào giúp cây trồng phát triển cân đối, cứng, khỏe, tăng sức chống chịu; số lần phun và lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể. Ước tính lãi chên lệch ruộng mô hình ứng dụng IPM so với ruộng của nông dân đạt 4,8 – 6,6 triệu đồng/ha.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH: