TỪ ĐIỂN

Tra theo từ điển:


LỊCH

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC VÀ QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP CÂY CÀ DĨA

30/11/2017 | Cây rau
Phòng BVTV | 47637 lần xem | 0 bình luận

I. SƠ LƯỢC VỀ CÂY CÀ

Đặc điểm của cây cà Cây cà có tên khoa học (Solonum melongena) là loài cây rau ăn quả, họ Cà (Solanaceae). Có 3 loài: cà phương Đông, cây thấp, nhiều nhánh, lá nhỏ, thời gian sinh trưởng ngắn; cà phương Tây cây vừa, phân nhánh ít, nhánh to, lá vừa hoặc to, thời gian sinh trưởng dài hoặc trung bình; cà phương Nam cây nửa hoang dại, quả trắng.

Cà chịu được nhiệt độ cao, hạt nảy mầm ở nhiệt độ 25 – 30°c, sinh trưởng và phát triển tốt ở 20 – 25°c. Cây ưa ánh sáng mạnh, ít phản ứng với thời gian chiếu sáng, nên có thể ra hoa, kết quả quanh năm. Bộ rễ cà khỏe, ăn sâu, nhưng bộ lá lớn nên tiêu hao nước cao, cây cần độ ẩm của đất 80% để duy trì sinh trưởng và đảm bảo tỷ lệ đậu quả cao.

Cây sinh trưởng thời gian dài nên đất trồng phải tốt, dễ thoát nước, có dộ pH = 6,5 – 7,0. Trong 100g cà pháo có l,4g protein; 3,2g gluxit; l,4g chất xơ; ll,4mg canxi; 15,2mg photpho; 7mg sắt và 3mg vitaminC. Cà tím có 0,9g protein; 4,3g gluxit; l,4g chất xơ; 14,3mg canxi; 32,3mg photpho và 14mg vitamin C.

Cà trồng ở nước ta có nhiều chủng trong một loài. Dựa theo hình thái quả và đặc điểm tiêu dùng có thể phân ra các nhóm: Cà tròn (cà dĩa trắng: vỏ quả trắng, to tròn, nhiều thịt, ít hạt; cà dĩa xanh: quả to, tròn, dẹt, vỏ xanh, nhiều khía; cà tím tròn: quả to, màu tím pha trắng, ruột nhiều, ngon, sản lượng cao); Cà dài (cà tím dài: quả dài 20 – 30cm màu tím hoàn toàn hoặc pha trắng; cà cong: quả dài, đường kính nhỏ, cong nhiều khúc); Cà pháo (cà xoan: quả trắng, hình bầu dục; cà tứ thời: quả tròn, nhỏ, màu xanh trắng, trồng quanh năm; cà sung: quả xanh hơi tròn; cà dừa: quả to hơn các loại cà trên, hình quả dừa).

II. CÁC BIỆN PHÁP CANH TÁC CÀ DĨA

1. Thời vụ: Cà dĩa được gieo trồng từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau.

Vụ sớm: gieo hạt vào tháng 7 – 8, thu hoạch tháng 11 – 12. Vụ này thường trồng ở đất bãi ven sông, thoát nước tốt.

Vụ chính: gieo hạt vào tháng 11, 12,  thu hoạch tháng 3 – 5. Thường trồng cà pháo, cà dĩa trắng, cà dĩa xanh.

Vụ muộn: gieo hạt vào tháng 01, 02, thu hoạch tháng 4 – 6. Thường trồng cà dĩa

2. Giống: Đối với cà dĩa thường dùng các giống ở địa phương. Hạt giống có nhiều chủng loại của nhiều đơn vị sản xuất khác nhau, tùy vào nhu cầu mà bà con chọn giống cho phù hợp. Lượng hạt giống cần để trồng 01ha là khoảng 300-400g.

Hạt cà có vỏ cứng tương đối dày. Vì vậy, để hạt có thể nảy mầm được tốt trước khi gieo hạt cần ngâm hạt trong nước 23-30 h. Vớt ra để cho se hạt rồi đem ươm gieo.

3. Chuẩn vườn ươm và chuẩn bị đất, trồng cây:

* Chuẩn bị vườn ươm: Hạt được ươm trong bầu nhỏ hoặc rãi vào đất (lưu ý: đất vưòn ươm phải tơi xốp, nhiều mùn, giữ ẩm và thoát nước tốt, khi gieo hạt chỉ phủ một lớp trấu mỏng lên trên không được lấp đất hạt sẽ không mọc được). Đối với cà ươm trong bầu và rãi ra đất, thì ươm bầu tốt hơn, thời gian cây ra vườn ươm nhanh hơn so với ươm ở khay. Ươm trong bầu có ưu điểm nữa là khi cây đem ra trồng rễ không bị đứt, cây bén rễ nhanh hơn.

- Đối với ươm trong bầu:

+ Hỗn hợp: Than bùn+tro trấu+ phân bò ủ mục hoặc phân vi sinh, phân trùn quế. 

+ Trộn đều các thành phần trên cho vào túi nilon chuyên dùng làm bầu. 

+ Tưới nước đều không quá ướt, dùng ngón tay ấn 1 lỗ sâu khoảng 1 cm rồi cho 2 hạt vào lỗ. 

+ Khi cây mọc lên khoảng vài lá thật, tỉa bỏ cây xấu, yếu.

- Đối với ươm ngoài đất: Lên liếp ươm cao từ 20 - 25cm, mỗi mét vuông gieo 2 – 3g hạt. Khi cây con mọc cần phải luôn giữ ẩm, cây có 1 – 2 lá thật thì tỉa bớt cây xấu, để giữ khoảng cách 2 -3cm/cây. Cây cao 6 – 10cm tỉa lần 2, chỉ giữ lại những cây tốt, khoảng cách giữa các cây 5 – 6cm.

Mỗi lần tỉa, kết hợp nhặt cỏ, bón thúc bằng nước phân pha loãng. Cây giống được 30 – 35 ngày tuổi thì nhổ đem trồng. Trước khi nhổ 4 – 5 giờ tưới đẫm nước để dễ nhổ và rễ không bị đứt.

* Chuẩn bị đất trồng

- Cà dĩa rất dễ nhiễm một số loại bệnh nguy hiểm, vì vậy để hạn chế bệnh không trồng liên tục nhiều vụ cà dĩa trên cùng một chân đất và không được trồng trên đất đã trồng các loại cây cùng họ như: ớt, cà chua, thuốc lá…, nên luân canh với các cây thuộc họ khác.

- Cây cà phát triển tốt trên các loại đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa, các loại đất dễ thoát nước, độ pH thích hợp 5,5 - 7.

- Cà có bộ rễ phát triển, vì vậy đất trồng cà cần được cuốc sâu. Nên cuốc đất làm hai lần, lần thứ nhất cuốc lật phơi ải để đất tơi xốp, ánh nắng mặt trời sẽ tiêu diệt phần lớn sâu bệnh trong đất. Mặt khác, đất được phơi ải có những chuyển hoá sinh học và hoá học trong đất có lợi cho cây trồng. Lần thứ hai cuốc xong tiến hành làm nhỏ đất, làm phẳng mặt để trồng cây.

- Đất cày bừa kỹ, nhặt cỏ rác, cung cấp vôi, phân chuồng và nên bổ sung thêm thuốc trừ côn trùng để phòng sâu bệnh cho cây và tiêu diệt tuyến trùng dưới đất.

* Trồng cây

- Cây giống đem trồng có thời gian sống trong vườn ươm là 30-35 ngày. Trước khi nhổ cây con đem trồng không nên tưới nước cho cây 5-7 ngày, chỉ tưới ẩm 4-5 giờ trước lúc nhổ cho cây không bị đứt rễ và chóng bén.

- Lên luống rộng 0,9m – 1,2 m, cao 20-30cm. vì loại cà này không ưa vùng ngập úng cây sẽ bị thối rễ. Đánh hốc thành hai hàng theo hình răng sấu, khoảng cách 50 X 80cm/cây. Mật độ trung bình khoảng 10.000-12.000 cây/ha.

Bón lót bằng phân chuồng hoai, phân lân và 1/3 phân đạm + 1/3 phân kali. Trộn đểu phân đổ vào các hốc, phủ đất, dùng xỉa moi giữa hốc, đặt cây vào.

4. Phân bón:

Cà sinh trưởng tương đối dài ngày nên cần bón nhiều phân, bón đủ phân ngăn ngừa được rụng hoa, rụng quả

Loại phân

Lượng bón cho 1 ha

Tỷ lệ

bón lót (%)

Tỷ lệ bón thúc (%)

Lần 1

(7- 10NST)

Lần 2

(20-25NST)

Lần 3

(40-45NST)

Phân chuồng (tấn)

10

100

-

-

-

Phân lân (kg)

350-500

100

-

-

-

Vôi bột (kg)

500-1.000

100

-

-

-

Urea (kg)

100-200

-

30

30

40

Kali (kg)

40-80

-

30

30

40

 

Ghi chú: Lượng phân vô cơ trên có thể tăng hoặc giảm tùy theo đất đai, thời tiết, mùa vụ …

Chú ý cân bằng tỷ lệ NPK và bổ sung Canxi cũng như vi lượng để tăng sức đề kháng cho cây.

* Bón lót: Bón lót làm cho cây khỏe, ngăn ngừa được rụng hoa, rụng quả. Nhất là những nơi đất xấu, bón lót làm tăng năng suất rõ rệt. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân trộn đều phân bón theo hốc. Bổ hốc sâu 15-18cm, cho phân vào đảo với đất rồi mới trồng cây.

*Bón thúc: có thể chia thành 3 thời kỳ bón thúc cho cà như sau:

 - Thời kỳ thứ nhất: bón ngay sau khi trồng cây con 7-10 ngày, bón 30% lượng đạm và 30% số kali, kết hợp xới xáo, vun gốc cho cây.

- Thời kỳ thứ hai: bón vào vào sau khi trồng cây con 20-25 ngày, bón 30% lượng đạm và 30% số kali, bón cách xa gốc, sau đó tưới rãnh hoặc tưới gốc.

- Bón thúc đợt ba vào sau khi trồng cây con 40-45 ngày, bón 40% lượng đạm và 40% số kali.

Sau mỗi lần thu hoạch nên dùng phân chuồng đã ủ mục hòa vào nước tưới để giữ cho cây có hoa liên tục đảm bảo năng suất và kéo dài thời gian cho quả.

5. Chăm sóc

* Tưới nước:

Trong quá trình trồng và chăm sóc cần đảm bảo chế độ thoát nước tốt, thường xuyên giữ cho đất trồng được khô ráo, tránh ngập úng.

Dùng gáo múc nước tưới đẫm gốc cây, đảm bảo đủ độ ẩm đến khi cây bén rễ, hồi xanh. Từ lúc trồng đến lúc ra hoa cần giữ độ ẩm trong đất. Nếu trời nắng tưới ngày một lần, trời râm mát 3-4 ngày tưới một lần. Lúc cà có quả non thì tưới nhiều hơn. Thời kỳ đầu khi cây con mới trồng cần thường xuyên xới đất để đất không đóng váng, tăng độ ẩm cho đất, giúp cho bộ rễ phát triển và cây lớn nhanh. Nhất là sau khi trồng cây con 1 tháng thì vun gốc để thúc cho bộ rễ phát triển, tăng cường sức giữ nước, giữ màu của đất, chống đổ ngã cho cây.

Trong quá trình cây sinh trưởng có thể cho nước ngập 2/3 rãnh nước rồi đắp 2 đầu, để nước ngấm khắp luống, rồi tháo sạch. Nước tưới lấy từ nước giếng khoan, nước sông sạch; không được tưới bằng nước ao tù, nước thải sinh hoạt.

* Tỉa cành

Cây cà sau khi mọc được 7-9 lá là bắt đầu có quả. Lúc đó những nhánh dưới chùm hoa thứ nhất cần tỉa bỏ hết đi, giữ lại mỗi cây 2 cành.. Thường những nhánh này phát triển yếu, hoa quả hình thành chậm. Các cành này thường mọc thẳng đứng làm cho bên trong tán cây rậm rạp, thiếu ánh sáng, tán cây không thông thoáng, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nhiều. Cần tỉa nhanh kịp thời, chỉ để lại một nhánh gần chùm quả thứ nhất, các nhánh khác cần được tỉa bỏ.

Từ thời kỳ giữa đến cuối thời gian sinh trưởng của cây cà mọc thêm nhiều lá ở phía dưới làm cho cây không thông gió và thiếu ánh sáng. Vì vậy, cần tỉa lá kịp thời để thúc mọc thêm nhiều quả.

Với những loại cà sinh trưởng mạnh, sau chùm hoa thứ 2, 3 có thể bấm ngọn. Những cây để lâu, không được bấm ngọn mà cắm cây làm giàn chông đổ. Đối với cây cà sau khi thu hoạch một tháng cần tỉa cành một lần để cây cho ra nhánh mới.

6. Phòng trừ sâu bệnh

6.1. Sâu hại:

a. Sâu đục trái (Leucinodes orbonalis)

* Đặc điểm sinh học và gây hại:

Sâu trưởng thành là một loài bướm, thân dài khoảng 13-14 mm, cánh màu trắng, có những đốm màu hồng màu nâu. Bướm đẻ trứng từng cụm ở mặt dưới lá, trên nụ hoa hoặc trái non. Mỗi con cái có thể đẻ vài chục trứng. Trứng dẹp, màu trắng sữa, xếp thành hình ngói lợp. Sâu non tuổi nhỏ màu trắng ngà, sau chuyển màu hồng nhạt, đẩy sức dài 15-18 mm. Nhộng màu nâu. Vòng đời sâu trung bình 30-40 ngày, thời gian sâu non 15-20 ngày.

Bướm hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn trong đám lá, bụi cỏ. Sâu không chỉ gây hại trên trái mà còn tấn công cả đọt non. Sâu non sau khi nở vài ngày mới đục vào ngọn hoặc trái. Sâu đục vào ngọn làm ngọn bị héo. Trên trái, sâu đục vào bên trong để lại một lổ đục nhỏ. Những trái bị sâu gây hại, ruột trái bị rỗng do sâu ăn hết thịt và trái chứa đầy phân của sâu, trái bị hư một phần hoặc toàn bộ trái. Đôi khi sâu non cũng đục vào cuống trái làm trái không lớn hoặc bị héo. Trái bị sâu hại nếu gặp mưa dễ bị thối do chỗ đục bị bội nhiễm vi sinh vật. Sâu gây hại trên ngọn, trên cuống trái hay trên trái đều để lại lổ đục rất dễ phát hiện.

Sâu hóa nhộng trong thân, trái bị hại hoặc trong đám lá rụng. Sâu thường gây hại nhiều trong mùa mưa, nhất là vào thời kỳ có mưa lớn, ẩm độ không khí cao.

Sâu có thể phá tất cả bộ phân cây: hoa, trái, nụ, nõn, cành, thân trừ rễ. Sâu non chui vào nách cành làm cành khô héo và chết. Sâu thường đục vào trong trái làm giảm năng suất và phẩm chất trái. Ở nước ta sâu gây thiệt hại nghiêm trọng cho năng suất và phẩm chất cà.

* Biện pháp phòng trừ:

- Thăm ruộng thường xuyên, phát hiện cành non hoặc trái bị sâu hại nên ngắt bỏ các đọt non và trái bị sâu đục để tiêu diệt sâu trong trái làm giảm sự lây lan của sâu;

- Vệ sinh ruộng cà cho thông thoáng, dọn sạch cỏ dại quanh ruộng để hạn chế bướm đẻ trứng;

- Trong tự nhiên, sâu đục trái cà dĩa có nhiều loại thiên địch tấn công như: virut NPV, nấm Metarhizium anisopliae (nấm xanh), các loài ong ký sinh, rệp Orius sp, bọ rùa, bọ cánh lưới,….

- Thăm ruộng cà thường xuyên để phát hiện sâu đục trái mới xuất hiện trong ruộng thì việc phòng trừ mới đạt hiệu quả cao. Khi cà dĩa bị sâu đục trái gây hại thì phun các loại thuốc sinh học như: Bacillus thuringiensis (Delfin WG, Biocin 16WP,…); Chlorpyrifos Ethyl (Anboom 48EC, Mapy 48 EC,…); Cypermethrin (Cyperkill 25EC, Cyperan 10EC, Secsaigon 25EC, Sherpa 25EC,...); Deltamethrin (Decis 250WG,…) Tungcydan 60EC; DuPontTM Prevathon® 5SC;  Pegasus 500SC;.... Phun thuốc khi sâu non vừa mới nở chưa chui vào trong trái sẽ có hiệu quả hơn. Sâu đục trái là loại sâu rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên.

b. Sâu xanh (Helicoverpa armigera):

* Đặc điểm sinh học và gây hại:

Sâu xanh là loại đa thực, phá hại trên các loại cây như: bắp, bông vải, cà dĩa, ớt… Sâu non có thể ăn cả lá hoa và quả nhiều lọai cây. Sâu đục vào trái cà làm giảm phẩm chất và năng suất cây. Sâu hại trái cà non gây rụng trái, hại trái cà lớn làm hư trái. Ngoài ra vết sâu đục còn tạo điều kiện cho nước mưa và nấm bệnh thâm nhập gây thối trái.

Sâu không chỉ gây hại trên trái mà còn tấn công cả đọt non. Sâu non sau khi nở vài ngày mới đục vào ngọn hoặc trái. Sâu đục vào ngọn làm ngọn bị héo. Trên trái, sâu đục vào bên trong để lại một lổ đục nhỏ.

Những trái bị sâu gây hại, ruột trái sẽ bị rỗng do sâu ăn hết thịt và trái chứa đầy phân của sâu, trái bị hư một phần hoặc toàn bộ trái. Đôi khi sâu non cũng đục vào cuống trái làm trái không lớn hoặc bị héo. 

Bướm có màu nâu nhạt, trên cánh trước có các đường vân rộng màu xanh thẵm. Trứng hình bán cầu, lúc đầu trắng sau chuyển màu nâu, trên bề mặt có nhiều đường gân dọc. Sâu non có màu xanh lá cây, hồng nhạt hoặc nâu thẫm, trên thân có sọc đen mờ. Nhộng màu nâu, cuối bụng có 2 gai song song. Bướm hoạt động ban đêm, sức bay khỏe và xa, đẻ trứng rải rác từng quả trên mặt lá và nụ hoa. Một bướm cái đẻ gần 1.000 trứng. Sâu non nhỏ tuổi ăn búp, lá non, nụ hoa. Từ tuổi 3 sâu đục vào trong quả, đùn phân ra ngoài. Chỗ quả bị đục thường bị thối, sâu non có thể di chuyển đục nhiều quả. Sâu trưởng thành chui ra khỏi quả để hóa nhộng trong lớp đất sâu 5-10 cm.

* Biện pháp phòng trừ:

- Thăm ruộng thường xuyên, phát hiện cành non hoặc trái bị sâu hại thì ngắt bỏ các đọt non và trái bị sâu đục để tiêu diệt sâu trong trái làm giảm sự lây lan của sâu.Thường xuyên quan sát ruộng đậu, nhất là từ sau khi trồng đến 1 tháng tuổi lá chưa giao nhau, để phát hiện ổ trứng và kịp thời ngắt bỏ.

- Vệ sinh ruộng cà cho thông thoáng, dọn sạch cỏ dại quanh ruộng để hạn chế bướm đẻ trứng.

- Sau khi thu hoạch cà dĩa cần dọn hết tàn dư của cây trên ruộng, đem tiêu hủy, đồng thời cày bừa kỹ để diệt nhộng.

- Tránh trồng xen canh với bắp, cà dĩa, thuốc lá vì đều là cây ký chủ của chúng. Sau mỗi vụ nên xới đất rồi phơi ải một thời gian để diệt nhộng của sâu còn ẩn lại trong đất.

Khi cần thiết, dùng các loại thuốc như: Bacillus thuringiensis (Delfin WG, Biocin 16WP,…); Cypermethrin (Cyperkill 25EC, Cyperan 10EC, Secsaigon 25EC, Sherpa 25EC,...); Deltamethrin (Decis 250WG,…); Emamectin benzoate (Actimax 50WG, Angun 5 WG, Eagle 50WG, Map Winner 10WG,…);… Sâu có khả năng kháng thuốc cao nên rất khó trị bằng các lọai thuốc sâu thông thường.

c. Sâu khoang (Spodoptera litura):

* Đặc điểm sinh học và gây hại:

Sâu khoang còn được gọi là sâu ăn tạp gây hại trên tất cả các loại rau. Sâu non tuổi nhỏ thường gây hại nghiêm trọng nhất bởi vì sâu non tập trung lại ăn lá và nhanh chóng làm lá xơ xác. Sâu non còn có thể gặm ăn vỏ quả làm giảm phẩm chất. Sâu tuổi nhỏ sống tập trung ăn hết thịt lá chừa lại biểu bì và gân. Ở tuổi 3 – 4 sâu phân tán và ăn khuyết lá hoặc có khi ăn trụi lá. Sâu non có 6 tuổi, khi đẫy sức ở tuổi 6 dài từ 35 - 50 mm. Khi mật độ sâu cao có thể làm cho lá rụng nhanh, không những ăn phá lá cây mà còn ăn trụi cả thân, cành, trái non. Tuy nhiên sự gây hại thường không nghiêm trọng lắm do khả năng tự đền bù của cây. Khi đẫy sức sâu chui xuống đất hoá nhộng, sau khoảng 10 ngày thì vũ hoá.

Trứng hình bán cầu, mới đẻ màu vàng, sau màu tro tối xếp với nh au thành ổ, có phủ một lớp lông màu vàng rơm.

Sâu non mới nở có màu xanh sáng, Sâu tuổi lớn có màu từ xám xanh đến nâu đen với những sọc vàng hoặc trắng, đốt bụng thứ nhất có một vết đen to bao quanh, trên mỗi mảnh lưng có vân hình trăng khuyết. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm.

Bướm thường vũ hoá vào buổi chiều và bay ra hoạt động vào lúc vừa tối, ban ngày bướm đậu ở mặt sau lá hoặc trong các bụi cỏ. Bướm hoạt động từ tối đến nửa đêm, có thể bay xa đến vài chục mét và cao đến 6-7 mét. Sau khi vũ hoá vài giờ, bướm có thể bắt cặp và một ngày sau đó có thể đẻ trứng. Trứng được đẻ thành ổ trên lá, một ổ có từ 50 - 200 trứng. Một con cái có thể đẻ từ 500 – 2.000 trứng.

* Biện pháp phòng trừ:

- Đất trước khi trồng cần phải được cày, phơi và xử lý thuốc trừ sâu hoặc cho ruộng ngập nước 2-3 ngày để diệt nhộng, sâu non có trong đất.

- Phải thường xuyên đi thăm ruộng để kịp thời phát hiện sâu, ngắt bỏ ổ trứng hoặc tiêu diệt sâu non mới nở khi chưa phân tán đi xa.

- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt nhộng, phơi đất hay ngâm ruộng một thời gian.

- Dùng hoa hướng dương hay các loài cây có thể dẫn dụ sâu ăn tạp trồng xung quanh ruộng canh tác để dễ dàng tiêu diệt.

- Đào những đường rãnh nhỏ (20x30 cm) xung quanh ruộng, sâu khi di chuyển qua sẽ rơi xuống để tập trung xử lý.

- Sử dụng bẩy chua ngọt để dẫn dụ, tiêu diệt sâu. Dựa vào đặc tính của con ngài trưởng thành là ưa ăn thêm các loại thức ăn chua ngọt trước khi đẻ trứng, các mồi nhử chua ngọt trộn thêm thuốc dẫn dụ chúng đến ăn bả và tiêu diệt từ khi con trưởng thành chưa kịp đẻ trứng để nở thành sâu non hại cây trồng.

Cách làm bẫy chua ngọt: Hòa tan 1 kg mật (hoặc rỉ mật) + 1 lít dấm ăn + 1 lít nước sạch + 1 gam thuốc Padan 95SP thành dung dịch. Lượng dung dịch trên có thể nhúng được từ 25-30 chiếc bùi nhùi (bằng rơm rạ). Dùng một đoạn gỗ hoặc cọc tre có chiều dài khoảng 30 - 40cm, đường kính 2-4cm (một đầu vạt nhọn để cắm sâu xuống đất, đầu kia để buộc bùi nhùi). Nhúng bùi nhùi vào dung dịch vừa pha nói trên rồi cắm đều trên ruộng (từ 7-8 chiếc/500m2). Khoảng 3-5 ngày nhúng lại bùi nhùi vào dung dịch bả chua ngọt 1 lần. Kinh nghiệm của nhiều người là dùng một nắm giẻ, giấy vụn hoặc rơm vụn nhúng vào bả chua ngọt rồi vạch và cho vào giữa con bùi nhùi sẽ hạn chế được sự bốc hơi hoặc bị mưa ướt để giữ được lâu hơn, tiết kiệm được dung dịch bả hơn. Ngoài con trưởng thành của sâu khoang ra còn có một số bướm của các loài khác như sâu cuốn gié, sâu cắn lá ngô cũng vào bẫy rất nhiều./.

- Biện pháp sinh học: Sâu ăn tạp thường bị 4 nhóm ký sinh sau: côn trùng ký sinh (Ong thuộc họ Braconidae và ruồi thuộc họ Tachinidae ), nấm ký sinh (Beauveria sp.), siêu vi khuẩn gây bệnh VPV,….

- Khi mật độ sâu cao có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ. Sâu khoang có khả năng kháng nhiều loại thuốc hoá học, nên cần phun thuốc kịp thời khi sâu mới nở, tuổi 1-2. Một số thuốc như: : Emamectin benzoate + Avermectin (Actimax, Angun, Dylan, Eagle, Map Winner, Proclaim, …); Cypermethrin (Sherpa, Cyperkill, SecSaigon, Tungrin, Visher, Wamtox,…) ; Diazinon (Diazan, Subaru,…); Abamectin  (Azimex, Brightin,…); Alpha-cypermethrin (Alpha, Altach,...); Bacillus thuringiensis (Biocin, Delfin,…); Deltamethrin (Decis,…);…..

d. Sâu xám (Agrotis ipsilon)

* Đặc điểm sinh học và gây hại

Sâu non mới nở sống ở trên lá cây, ăn phần mô lá tạo nên những vết thủng li ti trên bề mặt lá. Tuổi 2, ban ngày sâu ẩn nấp dưới mặt đất ngay dưới gốc cây, ban đêm chui lên ăn lá non hoặc gặm xung quanh thân cây non. Từ tuổi 3 - 4 trở đi sâu phá mạnh, cắn đứt ngang thân cây kéo xuống đất. Mỗi đêm, một con sâu có thể cắn đứt 3 - 4 cây non. Sâu non có tính giả chết, khi bị đụng vào chúng cuộn lại, lăn ra giả chết.

- Trứng hình cầu dẹt, lúc mới đẻ có màu trắng sữa, sau chuyển dần sang màu hồng nhạt, khi gần nở có màu tím sẫm.

- Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám, dọc theo hai bên thân có một dãy đen mờ, đầu màu nâu sẫm. Trên mỗi đốt thân phía trên có 4 u lông nhỏ, phía dưới có 4 u lông lớn. Đốt cuối cùng ở mảnh lưng có 2 vệt màu nâu đậm.

- Nhộng màu cánh gián, cuối bụng có một đôi gai ngắn.

- Bướm có màu nâu tối; cánh trước có màu nâu thâm hoặc nâu đen; cánh trước có 3 vân, gần gốc cánh có một vân hình gậy, giữa hình tròn, cuối cánh hình hạt đậu; cánh sau màu xám trắng.

* Biện pháp phòng trừ

- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trên ruộng và quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

- Cày ải phơi đất 2 tuần trước khi trồng để diệt trứng và nhộng.

- Luân canh cây trồng: Sau vài vụ trồng cà thì luân canh 1 vụ lúa hoặc các loại rau ưa nước như rau muống, rau cần... để diệt nhộng đang sống trong đất và cắt đứt nguồn thức ăn phù hợp cho sâu.

- Đối với những ruộng nhỏ, khi mật độ sâu thấp có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.

- Hạn chế phun thuốc để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng như nhện, bọ rùa, ong ký sinh...

- Dùng bẫy bả chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy bả chua ngọt: Trộn hỗn hợp gồm 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước. Cho vào trong bình đậy kín sau 3 - 4 ngày thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết. Cứ 2 - 3 ngày nhúng bả lại 1 lần.

- Xử lý đất trước khi gieo trồng bằng một số loại thuốc trừ sâu dạng bột như:  Diazinon (Diazan 10 GR, Vibasu 10GR,…);  Cartap (Vicarp 4GR, Padan 4GR,…)

- Dùng cám rang thơm trộn với thuốc Diazinon (Diazan 10 GR, Vibasu 10GR,…) để bẫy sâu. Trộn 2 kg cám với 0,5 kg thuốc, rải cho 1.000 m2 trước khi trời tối. Rải thuốc theo hàng hoặc hốc gần gốc cây.

- Khi mật độ sâu cao, nên chọn các loại thuốc hỗn hợp có nhiều hoạt chất, nhiều tác dụng (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, thấm sâu) hoặc phối hợp 2-3 loại thuốc trừ sâu có tác dụng khác nhau để diệt trừ sâu xám cho hiệu quả cao. … Emamectin benzoate + Avermectin (Actimax, Angun, Dylan, Eagle, Map Winner, Proclaim, …); Cypermethrin (Sherpa, Cyperkill, SecSaigon, Tungrin, Visher, Wamtox,…) ; Diazinon (Diazan, Subaru,…); Abamectin  (Azimex, Brightin,…); Alpha-cypermethrin (Alpha, Altach,...); Bacillus thuringiensis (Biocin, Delfin,…); Deltamethrin (Decis,…);…. Phun vào chiều tối, nên cho thêm 10ml chất bám dính hoặc 20-30ml dầu khoáng vào mỗi bình 8-12lít để tăng khả năng bám thuốc vào cơ thể sâu, sâu chết nhanh, nhiều hơn.

6.2. Bệnh hại:

a. Bệnh lở cổ rễ:

* Triệu chứng bệnh:

- Bệnh thường gây hại giai đoạn cây con trong vườn ươm đến 1 tháng sau khi trồng.

- Vết bệnh ban đầu là những đốm đen ở cổ rễ sau đó lan dần làm cổ rễ chỗ gần mặt đất tóp lại, màu nâu, thối, cây ngã gục trong khi lá non vẫn còn xanh, sau vài ngày cây khô héo. Gốc cây bệnh thường có lớp sợi nấm trắng vào buổi sáng sớm, đôi khi thấy hạch nấm màu nâu đen.

* Nguyên nhân: Bệnh do nấm Rhizoctonia solani

* Điều kiện phát sinh phát triển:

- Nấm phát triển trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, nhiệt độ thích hợp 23 – 26oC.

- Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như rau, đậu, cà, ớt, bầu bí, khoai tây…

- Nấm bệnh lưu tồn trong tàn dư cây bị bệnh và trong đất dạng hạch nấm và sợi nấm; hạch nấm có thể sống trong nước hàng năm, gặp điều kiện thuận lợi hạch nấm nảy mầm gây bệnh cây trồng, lây lan qua nước, đất trồng, cây con.

* Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.

- Chọn nơi đất tốt, cao ráo, sử dụng  phân chuồng đã được ủ hoai mục để làm vườn ươm.

- Cày ải phơi đất, khử trùng đất bằng vôi bột, bón  phân hữu cơ hoai mục trước khi trồng.

- Lên luống cao, có rãnh thoát nước tốt. Trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển.

- Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh để tránh lây lan.

- Phun thuốc hoặc tưới gốc cây con để phòng bệnh hoặc khi bệnh chớm xuất hiện.

- Nấm này gây bệnh cho cây con lúc ươm và cây nhỏ khi mới trồng.

- Luân canh cà với các cây trồng khác.

- Vệ sinh đất, không để đất ươm cây con quá ẩm. Khi bệnh xuất hiện, dùng các loại thuốc như: Iprodione (Rovral,…); Ridomil Gold; Pencycuron (Monceren, Alfaron…); Validamycin (Validacin 5SL, Tung vali 5SL, Vacin 5SL, Vali 5 SL, Validan 5SL,…); Hexaconazole (Saizole 5SC, Anvil 5SC, Jiavin 5 SC, Dibazole 5SC,…);  Propineb (Antracol 70WP).

b. Bệnh đốm nâu:

* Triệu chứng bệnh:

Vết bệnh xuất hiện trên lá, ban đầu có màu nâu, cuối cùng chuyển sang màu đen. Bệnh lan dần ra toàn mặt lá làm cho lá khô và rụng. Bệnh ban đầu xuất hiện ở các lá thấp, sau lan dần lên các lá trên. Bệnh phát triển mạnh khi cây ra hoa, hình thành quả và cao nhất lúc quả chín. Cây bị bệnh này có thể chết.

* Nguyên nhân: Bệnh do nấm Cladosporium fulvum

* Điều kiện phát sinh phát triển:

Trong điều kiện khí hậu ẩm nấm sinh ra nhiều bào tử phân sinh. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện ẩm 90-95%, nhiệt độ 22-250C.

Bệnh tồn lưu trên tàn dư cây bệnh. Bào tử truyền lan trong không khí, rơi trên lá cà dĩa, sự xâm nhiễm xảy ra nhanh nhưng triệu chứng được thể hiện chậm sau 2 tuần, bệnh thường xuất hiện ở các lá phía gốc, bệnh phát triển mạnh khi thời tiết ấm và ẩm ở các tháng 4, 5 trên cà dĩa xuân hè và tháng 9, 10 trên cà dĩa vụ đông.

* Biện pháp phòng trừ

- Thu dọn sạch tàn dư cây bệnh, vệ sinh đồng ruộng.

- Trồng giống kháng.

- Cắt tỉa lá già phía gốc, tăng độ thông thoáng trong luống cà dĩa có tác dụng làm giảm mức độ bệnh.

- Luân canh cà với các cây trồng khác họ.

- Dùng các loại thuốc  Mancozeb (Dithane 80 WP, Manozeb 80 WP,…), Mancozeb+Metalaxyl ( Ridomil Gold 68 WP),… để phun khi bệnh xuất hiện nhiều.

c. Bệnh héo xanh:

* Triệu chứng bệnh:

Khi bị bệnh cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh. Quan sát rễ cây và thân cây phần trong bị sũng nước, sau đó chuyển màu nâu. Nếu cắt đoạn thân cây bệnh để vào trong cốc nước, chúng ta dễ dàng thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra.

Cây nhiễm bệnh biểu hiện ban đầu là các lá ngọn héo xanh rũ xuống, về sau các lá phía gốc tiếp tục héo xanh cụp xuống, cuối cùng dẫn tới toàn cây héo rũ tái xanh, gãy gục xuống và chết.

Hiện tượng héo xanh ban đầu xảy ra có thể ở một cành, thân hoặc một nhánh về một phía của cây cà dĩa, sau đó dẫn tới toàn cây héo xanh rũ xuống. Quan sát những cây nhiễm bệnh thường thấy ở phần phía gốc sát mặt đất vỏ thân sù sì đó là nét triệu chứng đặc trưng của cây cà dĩa khi bị bệnh héo xanh vi khuẩn

* Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum

* Điều kiện phát sinh phát triển:

Xuất hiện gây hại ở cả giai đoạn vườn ươm cây con và ở ruộng trồng ngoài sản xuất, gây hại nặng khi cây cà dĩa đã lớn, nhất là giai đoạn ra nụ - hoa đến hình thành quả non - quả già thu hoạch. Ở giai đoạn cây con nhiễm bệnh thường làm toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng, lá héo xanh gục xuống, cây chết xanh.

Vi khuẩn tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, cỏ dại. Vi khuẩn có thể lan truyền qua cây giống, gió, nhờ nước, côn trùng và cả qua công cụ chăm sóc, tỉa cành.

Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc vết chích của côn trùng ở rễ, thân Sau khi chúng xâm nhập vào cây trồng chúng tấn công vào mạch dẫn và di chuyễn theo mạch dẫn làm hư bó mạch, cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng héo và chết. Tốc độ xâm nhiễm và gây bệnh trong cây trồng rất nhanh, tốc độ này phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng cây trồng, ẩm độ đất và nhiệt độ môi trường. Chúng phát triển nhanh ở ẩm độ đất cao, nhiệt độ từ 24 – 380C.

* Biện pháp phòng trừ

Đây là loại bệnh rất khó phòng trị, sử dụng thuốc hoá học không có hiệu quả cao, do vậy áp dụng các biện pháp phòng trị tổng hợp có hiệu quả cao hơn.

- Luân canh cây trồng; đây là biện pháp có hiệu quả cao, có thể luân canh với cây khác họ cà hoặc luân canh với lúa nước. Không nên trồng cà dĩa 2 vụ liên tiếp trên một chân đất.

- Xử lý hạt giống trong nước nóng 500C trong 25 phút.

- Sử dụng cây giống ở vườn ươm không bị bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại.

- Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón.

- Nhổ bỏ cây bị bệnh gom lại đem đi đốt.

- Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, lưu ý khi tưới nước, tỉa cành, thu hái trái.

- Bệnh do vi khuẩn gây ra dùng thuốc hóa học hiệu quả không cao. Cần phát hiện sớm dùng các loại thuốc như: Bronopol (Totan 200WP, Xantocin 40WP,...); Copper oxychloride (Isacop 65.2 WG, Vidoc 50 SC, COC 85 WP,...);..... có thể hạn chế được bệnh.

d. Tuyến trùng

* Triệu chứng:

Tuyến trùng sống trong đất và ăn dịch rễ cây, gây những vết sưng nhỏ ở rễ cây giống như nốt sần hoặc mụn. Tuyến trùng cái đẻ trứng trên và trong rễ hoặc phía trong những rễ mục. Tuyến trùng non nở từ trứng và di chuyển về phía đầu rễ hoặc những vết thương nhỏ. Chúng ăn những tế bào rễ. Tuyến trùng tấn công ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây. Triệu chứng phía trên mặt đất thường phát triển chậm và có thể không nhận thấy. Các triệu chứng triệu chứng bao gồm cây còi cọc, vàng và phát triển kém. Cây bị nhiễm có thể héo hoặc chết trong điều kiện thời tiết nóng khô

Dưới mặt đất, rễ sẽ có những vết sưng tương tự như nốt sần hoặc mụn. Những nốt sần này ngăn cản sự di chuyển nước và dinh dưỡng đến các phần còn lại của cây dẫn đến sự phát triển còi cọc. Cây bị tuyến trùng gây hại, rễ thường dễ bị nhiễm các bệnh khác trong đất gây ra bởi như: bệnh héo heo xanh vi khuẩn,  lở cổ rễ,…..

* Nguyên nhân: Bệnh do tuyến trùng Meloidogyne incognita

* Điều kiện phát sinh phát triển:

Tuyến trùng có phạm vi ký chủ rất rộng bao gồm nhiều loại cây trồng và cỏ dại. Tuyến trùng thường gây hại nặng trên vùng đất cát. Tuyến trùng có thể tồn lưu trong đất và rễ cây ở giai đoạn trứng với thời gian khoảng vài tháng cho đến khi điều kiện môi trường phù hợp cho trứng nở ra. Trứng và con non sống ở rễ cây và được phóng thích vào đất khi rễ cây bị phân huỷ. Tuyến trùng thường hoạt động suốt năm ở vùng đất ẩm và ấm.

Nguồn lây lan của tuyến trùng, do sử dụng đất đã bị nhiễm từ vụ trước hoặc do trồng cây con đã bị nhiễm tuyến trùng. Đất bị nhiễm tuyến trùng cũng có thể từ nguồn nước tưới, nước chảy từ các vùng dốc, vùng bị nhiễm tuyến trùng của ruộng này đến ruộng khác hoặc do các máy móc, dụng cụ canh tác, trên giày dép của người làm ruộng.

Các yếu tố sinh thái như lượng mưa và độ ẩm đất có ảnh hưởng rõ rệt tới biến động số lượng quần thể tuyến trùng và sự diễn biến của bệnh trên đồng ruộng. Số lượng tuyến trùng tăng cao vào cuối mùa khô - đầu mùa mưa làm tỷ lệ bệnh tăng nhanh cao nhất trong tháng 9 - 11 hàng năm. Độ ẩm đất 30 - 40% thích hợp cho cà dĩa nhưng cũng là điều kiện tốt làm số lượng tuyến trùng tăng cao ở trong đất và trong rễ cây, do đó tưới nước trong mùa khô cũng là 1 yếu tố cần cho cà dĩa, nhưng lại làm tăng số lượng tuyến trùng và dễ lây lan ra phạm vi rộng.

* Biện pháp phòng trừ

- Sử dụng giống kháng.

- Luân canh mùa vụ cà dĩa với những cây trồng khác.

- Cày cải phơi đất vào cuối vụ trồng.

- Vệ sinh đồng ruộng, thu và đốt những tàn dư cây trồng trên đồng ruộng.

- Không đặt vườn ươm ở những nơi đất đã bị nhiễm bệnh.

- Trồng xen cà dĩa với hoa vạn thọ rất hiệu quả trong việc làm giảm mật độ tuyến trùng trong đất.

- Bón Phân cân đối, bổ sung phân hữu cơ vào đất sẽ giảm quần thể tuyến trùng.

- Sử dụng thuốc hóa học để trừ bệnh như: Carbosulfan (Marshal 5GR, Vifu - super 5GR,…); Ethoprophos (Vimoca 10GR, Saburan 10GR,…); Tervigo 20SC; Oncol 20EC,  Map Logic 90WP; Sincocin 0.56 SL; Etocap 10GR, Nokaph 10GR;…..

Chú ý: Cà dĩa là loại rau được thu hoạch liên tục nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc, chọn những loại thuốc ít độc, thời gian cách ly ngắn. Sử dụng thuốc nên tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian cách ly để giữ an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

6. Thu hoạch và để giống cho vụ sau:

Không nên để cà quá già làm cho quả bị giảm phẩm chất và cây bị kiệt quệ, ảnh hưởng đến các đợt quả sau. Cách 2-3 ngày thu một lần.

Đối với cà dĩa khi để hạt giống chọn cây có nhánh to bằng thân chính, cành lá không rậm quá, trên cành có nhiều quả và quả tốt. Chọn lấy những quả mọc ở tầng thứ nhất và tầng thứ hai, những quả đã chín sớm nhiều hạt. Những cây lấy giống chỉ để mỗi cây 1-2 quả. Khi vỏ quả chuyển sang màu vàng, có vết rạn nứt, tai quả hơi cong lên, thu hoạch lúc này là tốt nhất. Thu về để vài ngày, sau đó bổ quả, lấy hạt phơi khô trong râm, cất giữ làm giống cho vụ sau.

Cũng có thể để hạt giống theo cách cổ truyền sau đây: để cho quả cà nhũn ra, bóp hạt vào tro, cho thêm nước trộn thành hỗn hợp tro, hạt, nặn thành nắm và gắn chặt vào tường gần bếp để khô tự nhiên, đến vụ đem bóp vụn và mang gieo. Cách để giống này rất thích hợp với quy mô trồng trọt nhỏ ở gia đình, tự túc cây giống.

Gửi bình luận

Vui lòng đợi ...