I. CÁC GIAI ĐOẠN SINH TRƯỞNG CỦA CÂY LÚA
1. Giai đoạn mạ
Là thời gian từ khi gieo sạ đến khi bắt đầu đẻ nhánh, kéo dài 8 - 10 ngày (Giống lúa dài ngày khoảng 10 - 12 ngày). Giai đoạn này cây lúa sinh trưởng chủ yếu nhờ vào dinh dưỡng, do nội nhũ cung cấp.
2. Giai đoạn đẻ nhánh
Giai đoạn này bắt đầu đẻ nhánh đến phân hóa đòng (tượng khối sơ khởi), kéo dài 25 - 30 ngày (giống dài ngày 35 - 40 ngày). Cây lúa sử dụng nguồn dinh dưỡng từ đất, không khí. Đây là giai đoạn quyết định số dảnh/m2. Để đảm bảo số bông/ m2 có thể điều chỉnh số nhánh hữu hiệu.
+ Đối với ruộng sạ mật độ thấp hoặc giống đẻ nhánh kém, có thể sử dụng thuốc kích thích phun ngay sau khi bón phân để làm gia tăng số nhánh hữu hiệu.
+ Tùy theo giống lúa dài ngày hay ngắn ngày, giống đẻ nhánh kém hay mạnh, có thể rút nước trong giai đoạn 25 - 30 ngày sau sạ. Rút nước giữa vụ là biện pháp kỹ thuật quan trọng, nhằm giúp cây lúa được thông thoáng, ít bị sâu bệnh gây hại, hạn chế nhánh vô hiệu, tập trung dinh dưỡng nuôi dảnh hữu hiệu, bộ rễ phát triển, hút nhiều dinh dưỡng nuôi bông, cây lúa cứng cây, chống đỗ ngã và hạn chế các chất độc sinh ra trong môi trường yếm khí do đất bị ngập nước lâu ngày.
3. Giai đoạn ôm đòng
Từ lúc phân hóa đòng đến khi lúa trỗ bông, kéo dài 20 - 25 ngày (giống dài ngày từ 25 - 30 ngày). Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định số hạt /bông và số hạt chắc/bông..
4. Giai đoạn trỗ-chín
Từ khi lúa trỗ bông đến khi lúa chín, kéo dài 28 - 30 ngày. Giai đoạn này thường bị tác động bởi sâu bệnh và thời tiết khí hậu. Giai đoạn này quyết định số hạt chắc/bông.
II. KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA
1. Làm đất
Vệ sinh đồng ruộng, xử lý tàn dư cây trồng sau mỗi vụ gieo trồng, cày đất phơi ải làm đất thông thoáng ngăn phèn, mặn bốc lên mặt và tránh cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ ở giai đoạn sau. có thể diệt được sâu non và nhộng sâu đục thân, làm mất nơi cư trú của các loại rầy và tiêu diệt hạch nấm bệnh khô vằn, thối thân ... Nguyên lý của biện pháp này là cắt đứt vòng chu chuyển của sâu bệnh từ vụ này sang vụ khác, hạn chế nguồn sâu bệnh tích lũy và lây lan ngay từ đầu vụ gieo trồng. Mặt đất bằng phẳng tạo điều kiện cho hạt giống mọc tốt ngay từ đầu, thuận lợi cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ.
2. Chọn giống
Chọn giống chất lượng tốt, sạch hạt cỏ dại và lúa cỏ, có độ nẩy mầm >90%. Phải chọn giống từ những ruộng lúa tốt, đồng đều, không bị sâu bệnh. Tránh sử dụng giống từ ruộng lúa thịt, vì giống có khả năng bị thoái hoá cho năng suất thấp.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên, vụ Đông Xuân sử dụng các giống chủ lực: ML48, ML49, ML216, ML214, OM4900; các giống bổ sung: ML68, PY1, ML232, OM6162, DH815-6… và các giống lúa chất lượng đã qua sản xuất thử có triển vọng. Vụ Hè Thu sử dụng các giống chủ lực: ML48, ML49, ML216, OM4900; các giống bổ sung: OM6162, HT1, PY1, PY2… và các giống mới, giống lúa lai đã có kết quả khảo nghiệm đạt kết quả tốt.
Gieo sạ giống chống chịu sâu bệnh là biện pháp quan trọng nhằm chủ động ngăn ngừa tác hại của sâu bệnh. Sử dụng giống kháng rầy nâu, đạo ôn ... giúp nông dân tiết kiệm được chi phí phòng trừ. Cần lưu ý rầy nâu trên các giống D98-17, OM2695-2, ĐV 108, ĐB6, BĐ 250… và bệnh đạo ôn trên các giống giống IR 17494, OM 3536, OM 1490, MTL 213...
3. Ngâm ủ giống
Ngâm ủ đúng cách mới đạt tỷ lệ nảy mầm và chất lượng mầm. Hạt muốn nảy mầm thì lượng nước trong hạt phải đạt 24 - 26% và nhiệt độ từ 30 - 35 oC, nếu trên 40 oC hay thấp hơn 17 oC hạt không nảy mầm. Có thể xử lý nhiệt độ 540C để hạt giống nảy mầm đồng đều, hạt lúa vừa mới nứt nanh là phù hợp. Giữa bao ủ thường khó nảy mầm do nhiệt độ cao, trong quá trình ủ giống nếu thường xuyên đảo đều cho hạt lúa đủ oxy rễ sẽ ra đều và khoẻ. Có thể tưới nước ấm, xốc trở để tăng hoặc giảm nhiệt độ cho thích hợp. Trong điều kiện thiếu oxy, mầm lúa nhú ra trước và vươn dài, rễ ra ít và chậm.
4. Thời vụ gieo sạ
- Vụ Đông Xuân gieo sạ từ ngày 10 – 31/12. Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống mà bố trí lịch gieo sạ cho phù hợp để lúa trỗ sau tiết lập xuân.
- Vụ Hè Thu gieo sạ tập trung từ 20/5 tháng 10/6. Không gieo sạ quá muộn, tránh mưa đổ ngã vào cuối vụ.
5. Gieo sạ
Mật độ sạ phụ thuộc và có liên quan chặt chẽ đến dinh dưỡng đất, thời tiết khí hậu, phân bón, mùa vụ, khả năng đẻ nhánh của giống, tình hình sâu bệnh hại... ở địa phương. Mật độ sạ thích hợp sẽ đạt năng suất tối đa. Mật độ sạ được khuyến cáo hiện nay: 100 - 120kg/ha. Số bông lúa thích hợp để đạt năng suất cao từ 600 – 700 bông /m2. Tuỳ theo cách sạ mà độ dài rễ mầm khác nhau.
6. Bón phân cân đối hợp lý
6.1 Tác dụng của các loại phân hóa học
Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và sự phát sinh gây hại của dịch hại. Sử dụng phân bón hợp lý không những giúp cây trồng phát triển tốt mà còn có tác dụng hạn chế được sâu bệnh hại. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây trồng có nhu cầu khác nhau về dinh dưỡng. Nên tập trung bón theo nguyên tắc nặng đầu nhẹ đuôi và bón phân lần cuối phải trùng vào thời kỳ tượng khối sơ khởi của cây lúa.
+ Phân chuồng
- Cải thiện tính chất lý hoá học của đất, tăng thêm lân và kali dễ tiêu.
- Tăng tỉ lệ mùn làm cho đất tơi xốp, dễ cày bừa.
- Giữ độ ẩm của đất, chống hạn hán, xói mòn, giảm rửa trôi dinh dưỡng.
- Tăng cường hoạt động của vi sinh vật có ích.
- Giảm độ chua của đất, tăng cường khả năng trao đổi, tăng tỉ lệ chất keo trong đất.
+ Vôi
- Điều chỉnh độ pH phù hợp cho cây trồng, làm cho đất bớt chua, tránh ngộ độc do nhôm.
- Giảm độ mặn trong đất.
- Tạo môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển, nhất là vi khuẩn cố định đạm làm cho việc phân giải chất hữu cơ thuận lợi hơn.
+ Phân Đạm: Cây lúa cần đạm trong thời kỳ đẻ nhánh để tạo số bông tối đa, thời kỳ làm đòng để tăng số hạt chắc và thời kỳ trỗ cho hạt mẩy đều.
- Tác dụng của phân đạm
* Tạo cho bộ lá có màu xanh đậm, lá trải rộng, tốc độ ra lá nhanh.
* Thúc đẩy cây sinh trưởng mạnh, tăng nhanh chiều cao và nẩy chồi khoẻ.
* Tăng kích thước hạt lúa.
* Tăng số hạt/bông, tỉ lệ hạt chắc/bông.
- Triệu chứng thiếu đạm: Cây sinh trưởng còi cọc, số lượng rễ ít, nẩy chồi kém. Quang hợp giảm. Lá nhỏ và ngắn, lá non chuyển dần sang màu vàng nhạt. Lá già có màu tro sáng, mất màu xanh và trở nên vàng, rụi sớm.
- Thừa đạm: Tích luỹ nhiều NH4 làm cho cây đổ ngã, dễ bị đạo ôn, bông lúa mất sức sống, hạt gạo ít tinh bột.
+ Phân lân: Là thành phần chính trong nhân tế bào, tham gia quá trình đồng hoá và vận chuyển các chất trong cây. Quá trình tổng hợp của cây chỉ xảy ra khi có sự tham gia của lân.
- Tác dụng của phân lân
* Kích thích rễ phát triển, đẻ nhánh mạnh, trỗ bông và chín sớm, nẩy chồi mạnh, giúp cây phục hồi nhanh sau khi gặp những điều kiện bất thuận.
* Lân trong cây dễ di động, di chuyển đến những nơi diễn ra quá trình sinh trưởng mạnh.
* Ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp tinh bột, cellulose, biến đổi glucid làm tăng trọng lượng hạt.
- Thiếu lân: Rễ phát triển kém và ít. Cây sinh trưởng còi cọc, thấp, nẩy chồi kém.Trỗ và chín muộn, số hạt/bông ít, hạt không có màu vàng sáng. Lá nhỏ và ngắn, có màu xanh đậm, khi già chuyển sang màu nâu tím rồi chết.
- Thừa lân: Lá ngắn, dày, cây lùn mập, nhiều cây già nua.
+ Phân kali
- Tác dụng của phân kali
* Tham gia vào các hoạt động của hơn 60 loại men trong cây.
* Xúc tiến quá trình quang hợp, hình thành và vận chuyển đường bột.
* Giúp cây sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh mạnh, giảm tỉ lệ lép, tăng trọng lượng hạt.
* Tăng cường sự vận chuyển đường, xúc tác quá trình tổng hợp đường đơn thành đường đa.
* Đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh lý của cây, giúp cây chống chịu được điểu kiện ngoại cảnh bất lợi như hạn (tăng áp suất thẩm thấu trong tế bào làm tăng sức hút nước trong cây), lạnh (nồng độ kali trong dịch bào tăng làm cho độ đông đặc thấp, nước trong tế bào không đông lại).
* Tăng cường sự tạo thành các mô chống đỡ, giúp các bó mạch phát triển, hạn chế đổ ngã và chống chịu sâu bệnh)
- Thiếu Kali: Cây sinh trưởng còi cọc, hạn chế nẩy chồi. Cây lùn, lá xòe và có màu xanh đậm. Những lá phía dưới vàng phía mép lá, bắt đầu từ đỉnh lá chạy xuống và khô dần, sau đó chuyển sang màu nâu nhạt. Bông dài và nhỏ.
- Thừa Kali: Cây vàng úa, đọt non không phát triển và khô héo.
6.2 Các loại phân hóa học
+ Phân đạm
- Phân Urê CO(NH2)2: Chứa 46% N, hạt tròn, to, màu trắng.
- Phân SA (NH4)2SO4: Chứa 21% N, dạng hạt nhỏ, màu trắng hay trắng xám
+ Phân lân
- Phân Super Lân (Lâm Thao) Ca(H2PO4)2: Chứa 16 - 20% P2O5, màu xám trắng.
- Phân Lân nung chảy (Văn Điển): Chứa 15 - 20% P2O5 và Ca, Mg; màu xám xanh.
+ Phân Kali
- Phân KCl (phân muối ớt): Chứa 60% K2O, màu trắng lẫn hồng.
- Phân K2SO4: Chứa 48% K2O
6.3. Quy trình bón phân cho lúa
Lượng phân cần dùng: Vôi: 500 kg/1ha, Phân chuồng: 10.000kg/ha, Phân Urea: 240kg/ha, Phân lân: 300kg/ha, Phân Kali: 100kg/ha
Thời kỳ bón/Loại phân |
Giống 90 - 110 ngày |
Giống 120 - 130 ngày |
Bón lót - Vôi - Phân chuồng - Phân lân |
0 -1 ngày trước sạ - 100% (25 kg/sào) - 100% ( 400 kg/sào) - 100% ( 15 kg/sào) |
0 -1 ngày trước sạ - 100% (25 kg/sào) - 100% (400 kg/sào) - 100% (15 kg/sào ) |
Bón thúc lần 1 - Phân urea - Phân kali |
8 -10 ngày sau sạ - 42% urea (5 kg/sào) - 50% kali (2,5 kg/sào) |
10 -12 ngày sau sạ - 42% urea (5 kg/sào) - 50% kali (2,5 kg/sào) |
Chú ý: Tới ngày bón phân ruộng chưa có nước, không bón được, để tránh cây lúa bị mất sức chúng ta phun phân bón lá, sau đó có nước ta bón phân bình thường. |
||
Bón thúc lần 2 - Phân urea |
20 ngày sau sạ - 33% urea (4 kg/sào) |
25 ngày sau sạ - 33% urea (4 kg/sào) |
Bón thúc lần 3 - Phân urea - Phân kali |
42 ngày sau sạ - 25% urea (3 kg/sào) - 50% kali (2,5 kg/sào) |
62 ngày sau sạ - 25% urea (3 kg/sào) - 50% kali (2,5 kg/sào) |
@ Ghi chú:
Lượng phân và cách bón trên chỉ áp dụng cho chân đất thịt trung bình.
Đối với các loại phân hỗn hợp cần căn cứ vào hàm lượng dinh dưỡng từng loại phân mà chọn lựa mức bón cho phù hợp.
Bón phân lần 2 và 3 theo nguyên tắc không ngày không số. Lần bón thúc 3 có thể căn cứ vào thời kỳ phân hóa đòng (trước khi trỗ bông 15 - 20 ngày). Lá lúa chuyển màu xanh chuối, đòng lúa dài bằng nửa hạt gạo (1-2 mm). Tùy theo ngày chuyển vàng mà lượng phân bón sẽ thay đổi khác nhau. Sau đó giữ nước đến lúa chín vì ở giai đoạn này nếu để ruộng khô thiếu nước lúa bị lép.
7. Các biện pháp quản lý dịch hại trong hệ thống phòng trừ tổng hợp IPM
Phòng trừ sâu bệnh theo hướng quản lý tổng hợp nhằm tìm ra những biện pháp hạn chế tác hại của sâu bệnh, đạt năng suất cao và phẩm chất tốt. Phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, cần phải xem xét các đặc điểm về đất đai, thời tiết, tình hình dịch hại, trình độ thâm canh và điều kiện kinh tế của nông dân ... trước khi đưa ra biện pháp thích hợp cho một vùng.
7. 1 Biện pháp cơ giới
Là biện pháp đơn giản, được áp dụng từ lâu đời như dùng tay bắt sâu bọ; ngắt bỏ lá thân bị bệnh, ổ trứng sâu đục thân, sâu keo; thu lượm ốc bươu vàng... Biện pháp này dễ thực hiện, nhưng hiệu quả thấp.
7. 2 Biện pháp canh tác
Áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng có lợi cho cây trồng, hạn chế được sự phát triển của sâu bệnh và tăng khả năng đền bù của cây trồng. Đây là biện pháp dễ áp dụng trong sản xuất, không gây ảnh hưởng đến môi trường, phát huy được hiệu quả ngay từ đầu.
7. 2. 1 Làm đất và vệ sinh đồng ruộng
Vệ sinh đồng ruộng, xử lý tàn dư cây trồng sau mỗi vụ gieo trồng, cày đất phơi ải có thể diệt được sâu non và nhộng sâu đục thân, làm mất nơi cư trú của các loại rầy và tiêu diệt hạch nấm bệnh khô vằn, thối thân ... Nguyên lý của biện pháp này là cắt đứt vòng chu chuyển của sâu bệnh từ vụ này sang vụ khác, hạn chế nguồn sâu bệnh tích lũy và lây lan ngay từ đầu vụ gieo trồng.
7. 2. 2 Luân canh
Gieo trồng luân canh các loại cây trồng khác nhau trên một cánh đồng nhằm hạn chế sâu bệnh và cỏ dại. Phần lớn các loại sâu bệnh trên lúa không gây hại cho cây trồng khác và ngược lại. Vì vậy việc luân canh giữa lúa và cây trồng khác là phương thức canh tác có lợi, cắt đứt mối quan hệ chuyên tính giữa các sinh vật gây hại và cây chủ.
7. 2. 3 Thời vụ gieo sạ thích hợp
Thời vụ gieo sạ thích hợp giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tránh được các rủi ro về thời tiết khí hậu. Để quyết định thời vụ thích hợp cần phải dựa trên đặc điểm thời tiết, khí hậu, quy luật phát sinh phá hại của sâu bệnh ở địa phương. Gieo sạ đồng loạt tập trung để tránh tình trạng sâu bệnh dồn vào đầu và cuối vụ, rút ngắn thời gian một vụ lúa tránh sâu bệnh phát sinh và tích luỹ nhiều nhiều thế hệ, làm mất năng suất.
7. 2. 4 Gieo sạ giống chống chịu sâu bệnh
Là biện pháp quan trọng nhằm chủ động ngăn ngừa tác hại của sâu bệnh. Sử dụng giống kháng rầy nâu, đạo ôn... giúp nông dân tiết kiệm chi phí phòng trừ. Vì vậy việc sử dụng giống chống chịu sâu bệnh rất phù hợp và hiệu quả với người nông dân. Ưu điểm của biện pháp này là
- Là phương pháp đơn giản nhất
- Rẻ và dễ thực hiện
- Cung cấp hạt giống kháng tới người dân dễ dàng
- Giảm sử dụng thuốc
- Không gây ô nhiễm môi trường, tạo sự cân bằng hệ sinh thái.
Do sự tiến hoá của các nòi sâu bệnh, các giống mất đi tính kháng sau môt thời gian gieo trồng. Trên một cánh đồng nên gieo trồng nhiều loại giống mang các gien kháng khác nhau để khi một giống bị nhiễm sẽ không có khả năng lây lan sang các giống khác. Hỗn hợp các cùng thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, dạng lá... trên một ruộng cũng là hình thức đa gien hoá để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
3. 2. 5 Mật độ gieo sạ
Tùy vào từng loại giống để chọn ra mật độ hợp lý, đạt năng suất cao. Mật độ sạ phụ thuộc và có liên quan chặt chẽ đến dinh dưỡng đất, thời tiết khí hậu, phân bón, mùa vụ, khả năng đẻ nhánh của giống, tình hình sâu bệnh hại... ở địa phương. Sạ thưa dễ bị sâu hại lấn át nhưng sạ dày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển.
7. 2. 6 Bón phân cân đối hợp lý
Phân bón có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và sự phát sinh gây hại của nhiều loại sâu bệnh. Sử dụng phân bón hợp lý không những giúp cây trồng phát triển tốt mà còn có tác dụng hạn chế được sâu bệnh hại, giảm việc dùng thuốc Bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây trồng có nhu cầu khác nhau về dinh dưỡng. Nên tập trung bón theo nguyên tắc nặng đầu nhẹ đuôi và bón lần cuối phải trùng vào thời kỳ tượng khối sơ khởi của cây lúa. Bón phân không cân đối, không đúng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng… sẽ làm cây phát triển không bình thường.
7. 2. 7 Chế độ nước
Nước là thành phần cấu tạo các cơ quan cây trồng, nơi các quá trình quang hợp, hô hấp… diễn ra trong thân cây. Nước còn có vai trò điều tiết tiểu khí hậu trên ruộng lúa nên có ảnh hưởng rất lớn đến các giai đoạn sinh trưởng cây trồng và sự phát sinh của sâu bệnh hại.
Sau giai đoạn đẻ nhánh hữu hiệu nên rút nước để hạn chế sự đẻ nhánh và chống đổ ngã. Giai đoạn làm đòng rất cần nước và khi lúa chín sáp nên rút nước để tránh tình trạng lúa sinh trưởng kéo dài, dễ thu hoạch. Khi có bệnh khô vằn không nên giữ mực nước cao vì hạch nấm sẽ dễ dàng tấn công phần ngọn lúa. Nấm bệnh thối thân sẽ phát triểm mạnh trong điều kiện ngập nước. Bệnh đạo ôn nếu để khô nước, cây lúa sẽ hút đạm tự do trong đất làm cho bệnh nặng thêm.
7. 3 Biện pháp sinh học
Biện pháp sinh học là hoạt động của con người nhằm sử dụng các sinh vật sống hoặc các tác nhân sinh học để phòng trừ dịch hại. Biện pháp sinh học bao gồm
+ Bảo vệ và tăng cường hoạt động của thiên địch sẵn có
- Bảo vệ thiên địch tránh bằng cách hạn chế tối đa việc phun thuốc, sử dụng thuốc có tính độc thấp, thuốc có nguồn gốc sinh học… tiến đến không sử dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.
- Tạo nơi cư trú cho thiên địch bằng cách để cỏ và trồng cây họ đậu trên bờ ruộng.
- Giữ mực nước ruộng, mật độ sạ hợp lý… để duy trì và phát triển thiên địch.
+ Nuôi nhân và lây thả thiên địch trên ruộng
Sau khi được nhân nuôi và lây thả trên đồng ruộng, ký sinh sẽ tìm đến ký chủ để ký sinh. Việc lây thả thiên địch vào những thời gian thích hợp sẽ ngăn chặn được sự bùng phát của sâu hại. Ong mắt đỏ Trichogramma được nuôi nhân và thả trên ruộng để trừ sâu đục thân bắp, sâu đo xanh đay, sâu xanh bông… rất hiệu quả.
+ Du nhập thiªn ®Þch
Đối với những loài côn trùng gây hại không có nguồn gốc tại địa phương, việc bảo tồn không thích hợp vì thiếu các thiên địch đặc thù. Trong trường hợp như vậy, việc du nhập những thiên địch từ nơi xuất xứ của dịch hại là cần thiết. Hiện nay, việc sử dụng Ong ký sinh chuyên tính Asecodes hispinarum phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa được áp dụng rộng rãi nhiều nơi trong nước.
+ Sử dụng các chế phẩm sinh học
- Chế phẩm từ nấm: Metarhizium anisopliae (Ma), Beauveria bassiana (Bb)
- Chế phẩm từ vi khuẩn : Bacillus thuringiensis (Bt)
- Chế phẩm từ virus: virus nhân đa diện NPV.
- Chế phẩm từ tuyến trùng và nguyên sinh động vật
+ Sử dụng Pheromone và Hormone điều hoà sinh trưởng côn trùng
- Pheromone là chất tiết ra từ các cá thể cùng loài của côn trùng để trao đổi thông tin. Phổ biến nhất là pheromone hấp dẫn sinh dục và pheromone hội đàn. Các hợp chất tổng hợp tương tự như pheromone được dùng trong phòng trừ sâu hại như làm bẫy dẫn dụ con đực, làm bẫy theo dõi côn trùng trong công tác dự tính dự báo.
- Hormone là chất điều hoà sinh trưởng trong cơ thể sinh vật. Cơ chế tác động của các chất điều hoà sinh trưởng côn trùng là làm cho trứng không nở hoặc chết sau nở, sâu non không hoá nhộng hoặc nhộng hoá trưởng thành nhưng không sinh sản.
7. 4 Biên pháp hoá học
Đây là biện pháp cuối cùng trong hệ thống phòng trừ tổng hợp. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi thời tiết không thích hợp, giống sử dụng đã bị đổ vỡ tính kháng tạo điều kiện cho sâu bệnh vẫn phát triển gây hại mạnh. Biện pháp hoá học không được khuyến khích trong nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trường hợp sử dụng thuốc cần chú ý:
- Khi phun thuốc phải căn cứ vào điều kiện thời tiết, giai đoạn sinh trưởng cây trồng, tuổi sâu. Chỉ phun khi thấy mật độ cao và có khả năng tiếp tục còn tăng
- Sử dụng các loại thuốc ít độc, có phổ tác dụng hẹp hoặc thuốc vi sinh ít ảnh hưởng đến thiên địch.
- Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
III. MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN CÂY LÚA
A. Sâu hại lúa
1. Sâu năn Orseolia oryzae
+ Triệu chứng
Cây lúa bị gây hại nặng trong giai đoạn đẻ nhánh. Triệu chứng điển hình là lá ngọn của lúa cuốn tròn lại như lá hành, phía đầu được bịt kín bằng một nút cứng do mô lá tạo thành. Sâu non xâm nhập vào điểm sinh trưởng làm cổ áo và lá đọt không vươn dài. Cây lúa nhỏ, gân lúa hơi cứng. Khi sâu lớn gốc dảnh lúa tròn, sắc lá đậm. Lá đọt ngắn và dựng đứng. Khi lá hành còn trong thân lúa chưa vươn ra ngoài, thân cây lúa phình lên rõ. Sau khi nhộng vũ hóa, ống hành vàng héo dần, ngọn thâm khô và cụt đi.
Dảnh lúa bị biến thành ống hành sẽ không trỗ bông được nhưng có thể mọc nhiều chồi mới để bù lại số chồi bị hại nhưng những chồi này có thể tiếp tục bị nhiễm, những chồi còn lại không bị hại sẽ tạo bông.
+ Đặc điểm hình thái
Muỗi trưởng thành hình dáng giống muỗi nhà, bụng có màu phớt hồng, muỗi cái to hơn muỗi đực. Trứng đẻ rải rác từng quả, hình bầu dục. Trứng mới đẻ có màu trắng sữa, sắp nở màu hồng tươi. Sâu non dạng dòi, có 4 tuổi, màu trắng sữa. Sâu non đẫy sức hóa nhộng ngay trong ống hành. Nhộng màu hồng nhạt, sắp vũ hóa có màu hồng thẫm.
+ Tập quán sinh sống
Muỗi trưởng thành vũ hóa và giao phối vào ban đêm, thích ánh sáng có cường độ mạnh. Muỗi bắt đầu sinh sản vào mùa mưa từ lúa chét và cỏ dại. Một con muỗi cái có thể đẻ trung bình 65-125 trứng. Muỗi bắt đầu đẻ trứng sau khi vũ hóa một vài giờ. Trứng nở từ 4-10 giờ sáng. Ẩm độ thích hợp cho trứng nở là 82-85%. Trời mát và ẩm tỉ lệ nở trên 90%, trời khô tỉ lệ nở 60-70%.
Sâu non nở đòi hỏi phải có sương đọng trên là mới có thể di chuyển vào bên trong cây. Sâu non có thể sống trên mặt nước bùn 4-6 ngày. Nếu không có nước, sau 24 giờ sâu non sẽ chết. Khi di chuyển, sâu non lách qua mép bẹ lá hay chui trực tiếp từ ngọn vào đỉnh sinh trưởng. Tại đây, sâu tiết ra những chất dính làm lá lúa vừa mới nhú ra bị kết lại với nhau thành ống hành. Ống hành thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi sâu non xâm nhập vào điểm sinh trưởng. Khi sâu non đẫy sức vào nhộng thì ống hành vươn dài có màu trắng ngà, phía ngọn có màu xanh nhạt.
Sâu non làm nhộng trong ống hành và có thể di chuyển lên xuống trong ống hành. Sự di chuyển này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trời râm mát di chuyển lên trên mút ngọn ống hành, trời nắng di chuyển xuống dưới. Khi sắp vũ hóa, dùng gai tạo thành 1 lỗ ra ở đầu ống hành, chui một nửa ra ngoài rồi lột vỏ nhộng bỏ lại trên ống hành.
Thời gian phát dục của sâu năn
Trứng: 4 – 5 ngày.
Sâu non: 15 – 18 ngày.
Nhộng: 6 – 7 ngày.
Trưởng thành sống: 2 – 3 ngày.
+ Quy luật phát sinh
Sâu năn gây hại trong điều kiện thời tiết âm u, có mưa nhỏ, hơi lạnh. Nhiệt độ thích hợp cho sâu năn phát triển là 23 - 30 0C, ẩm độ 90%. Vụ Đông Xuân có mưa và sương kéo dài nhiều ngày trong tháng 1, 2 và đầu tháng 3 làm cho tỉ lệ nở của sâu non cao và dễ xâm nhập vào cây lúa. Sâu năn gây hại trên cây lúa ở giai đọan trước khi có đòng, khi cây lúa được 2 – 3 lá. Sâu năn gây hại nặng trên những ruộng
- Ruộng sạ dày, thường xuyên ngập nước.
- Ruộng xanh tốt, bón thừa đạm.
- Ruộng nhiều cỏ dại và lúa chét, cấy dặm muộn.
- Gieo sạ không tập trung, sạ quá sớm hoặc quá muộn, sạ nhiều vụ trong năm.
+ Biện pháp phòng trừ
- Do có nhiều lứa muỗi năn trong vụ nên sạ càng muộn mức độ gây hại càng cao. Nên điều chỉnh thời vụ gieo trồng thích hợp. Những vùng thường bị sâu năn gây hại, chậm nhất nên gieo sạ ngay sau thời điểm muỗi rộ lứa đầu (cuối T12).
- Nên đặt bẫy đèn trước thời gian gieo sạ, xác định được thời gian muỗi rộ để quyết định thời điểm gieo sạ cũng như phòng trừ thích hợp, tránh sự trùng lặp giữa sâu phát sinh rộ phù hợp với giai đoạn sinh trưởng xung yếu của cây trồng.
- Không sạ quá sớm hoặc muộn, sạ tập trung, không kéo dài quá 20 ngày tránh tạo điều kiện cho sâu tích lũy và gây hại.
- Bón phân cân đối hợp lý, sạ mật độ vừa phải.
- Diệt cỏ dại, lúa chét.
- Tránh làm tăng vụ là nơi chuyển tiếp của sâu năn.
Khi điều tra thấy mật độ muỗi thấp, tránh phun thuốc tràn lan gây nên hiện tượng bộc phát dịch hại. Trong trường hợp mật độ muỗi nhiều, điều kiện thời tiết thích hợp cần phun thuốc phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng. Khi muỗi năn ra rộ trùng với giai đọan sinh trưởng của cây lúa từ sau sạ đến đẻ nhánh có khả năng gây hại cao có thể phun thuốc (trong thời gian muỗi ra rộ) hoặc rải thuốc (trong thời gian muỗi ra rộ hoặc chậm nhất là sau khi sâu non mới nở). Có thể sử dụng hai lần thuốc ở 2 lứa muỗi gần nhau. Thời gian sử dụng thuốc có hiệu quả nhất là sau sạ 10 ngày đến đẻ nhánh rộ.
Các lọai thuốc được sử dụng để phòng trừ sâu năn:
Thuốc rải: Diazinon (Diazan 10 GR, Vibasu 10GR, Basitox 10GR,…); Cartap (Vicarp 4GR, Padan 4GR,…); Carbosulfan (Vifu - super 5 GR, Marshal 5GR,..);….
Thuốc phun Diazinon (Diazan 50EC, Vibasu 50EC, Basitox 40EC,…) ; Cartap (Vicarp 95SP, Padan 95SP,…); Abamectin ( Vibamec 3.6EC,…); Virtako 40WG;….
2. Rầy nâu Nilaparvata lugens
+ Triệu chứng
Rầy nâu có thể gây hại mọi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Ở giai đoạn đẻ nhánh, rầy chích hút nơi bẹ tạo thành những sọc màu nâu đậm dọc theo thân. Giai đoạn từ làm đòng đến trỗ bông rầy thường tập trung chích hút ở cuống đòng non. Khi lúa chín rầy tập trung lên thân ở phần non mềm. Cả thành trùng và ấu trùng rầy nâu đều chích hút cây lúa bằng cách chích hút bó libe của mô để hút nhựa. Trong khi chích hút, rầy tiết nước bọt phân hủy mô cây và cản trở sự di chuyển nhựa nguyên và nước lên phần trên của cây lúa làm cây lúa bị khô héo, gây nên hiện tượng "cháy rầy".
Rầy nâu còn gây hại gián tiếp cho cây lúa. Mô cây tại các vết chích hút và đẻ trứng của rầy bị hư do sự xâm nhập của một số loài nấm, vi khuẩn. Phân rầy tiết ra có đường thu hút nấm đen tới đóng quanh gốc lúa, cản trở quang hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Ngoài ra rầy nâu còn truyền bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá cho cây lúa.
+ Đặc điểm hình thái
Thành trùng có 2 dạng cánh: Dạng cánh dài chủ yếu dùng để bay đi tìm thức ăn, dạng cánh ngắn không thể bay xa được, chỉ phát sinh khi thức ăn đầy đủ, thời tiết thích hợp, và có khả năng đẻ trứng rất cao. Nếu điều kiện thích hợp một rầy cái có thể đẻ đến cả ngàn trứng. Trứng rầy giống hình hạt gạo, mới đẻ màu trắng trong, sắp nở màu vàng. Rầy non có 5 tuổi, mới nở rất nhỏ, màu trắng sữa, khi lớn chuyển thành màu nâu nhạt.
+ Đặc điểm sinh học và quy luật phát sinh
Sau khi vũ hóa từ 3 - 5 ngày, trưởng thành bắt đầu đẻ trứng vào bẹ lá, gân chính của phiến lá hoặc bên trong mô thân non thành từng hàng, mỗi hàng 8 – 30 trứng. Một rầy cánh dài đẻ khoảng 100 trứng, rầy cánh ngắn từ 300 – 500 trứng. Sau 3 ngày, các vết đẻ trên bẹ lúa có màu nâu do nấm bệnh xâm nhập vào, các vết này chạy dọc theo bẹ lá.
Rầy trưởng thành cánh dài bị thu hút nhiều bởi ánh sáng đèn và vào đèn nhiều lúc 8 - 11 giờ đêm. Cả thành trùng và ấu trùng rầy nâu đều thích sống dưới gốc cây lúa và có tập quán bò quanh thân cây lúa. Khi bị khuấy động nhảy xuống nước hay nhảy lên tán lá để lẩn tránh.
Thời gian phát dục rầy nâu
Trứng: 6 – 7 ngày.
Rầy non: 12 – 13 ngày.
Rầy trưởng thành sống: 10 - 12 ngày.
Nhiệt độ thích hợp để rầy nâu phát triển là từ 25 - 30oC, ẩm độ 80 - 86%. Mưa nắng xen kẽ rất thích hợp để rầy phát triển. Mưa lớn và liên tục trong nhiều ngày sẽ làm rầy suy yếu, dễ bị nấm bệnh tấn công. Các giống lúa ngắn ngày, đáp ứng với phân đạm nhiều, lá xanh, thân mềm d ễ bị nhiễm rầy. Các giống được ghi nhận nhiễm rầy hiện nay là MTU 54 - 10, BĐ 250, BĐ 258, ML 48, ML 68, Khang dân 18, D 98/17, ĐV 108 …
Rầy nâu phát sinh nhiều trên những ruộng
- Trồng liên tục nhiều vụ trong năm
- Ruộng bón nhiều phân đạm làm cho cây lúa xanh tốt, nhiều dưỡng chất, thân mềm, dễ thu hút rầy tới sinh sống và phát triển mật số.
- Mật độ sạ dày, thiếu ánh sáng, ẩm độ trong ruộng cao,ứ đọng nước.
+ Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng
- Nên trồng nhiều giống lúa có tính kháng trung bình trên đồng ruộng cùng một lúc để tránh tình trạng rầy quen thức ăn và để tránh áp lực của rầy khi rầy bộc phát.
- Sạ thưa, đúng thời vụ, gọn, tránh mùa vụ gối nhau để cắt đứt nguồn thức ăn.
- Bón phân đủ cho nhu cầu của cây lúa. Bón đúng lúc và cân đối giữa các loại phân đạm, lân, kali. Tránh bón thừa đạm, nhất là ở giai đoạn cuối của cây lúa.
- Thăm ruộng thường xuyên để ghi nhận mật số của rầy cũng như của thành phần và số lượng thiên địch hiện diện trên đồng ruộng để quyết định việc áp dụng thuốc trừ rầy. Khi cần phải áp dụng thuốc thì nên theo nguyên tắc “bốn đúng”
* Đúng thuốc: Dùng các loại thuốc đặc trị rầy. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trên để tránh tình trạng rầy quen thuốc.
* Đúng liều lượng: Pha thuốc đúng theo liều lượng và nồng độ khuyến cáo.
* Đúng lúc: Phun thuốc khi rầy tuổi nhỏ
* Đúng cách: Phun thuốc vào gốc lúa là nơi rầy sinh sống.
Một số loại thuốc trừ rầy hiện nay: Pymetrozine (Chess 50WG, Gepa 50WG,…) Fenobucarb (Bassa 50 EC, Jetan 50EC, Hoppecin 50 EC, Vibasa 50EC,…); Thiamethoxam (Actara 25WG, Vithoxam 350SC,…); Dinotefuran (Cyo super 200WP, Oshin 20WP,…); Cartap (Padan 95SP, Patox 95SP,…)….
3. Sâu đục thân 2 chấm Scirpophaga incertulas
+ Triệu chứng
Thời kỳ mạ - đẻ nhánh sâu đục ngang thân cây, ăn đỉnh sinh trưởng làm cho mạ hoặc dảnh lúa bị héo. Đọt lúa chuyển từ héo xanh sang héo vàng. Thời kỳ đòng, lúc lúa sắp trỗ sâu đục qua bao lá đòng chui vào giữa rồi bò xuống ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm bông lúa bị bạc trắng. Đến tuổi 3 mới đục xuyên lóng để xuống các đốt phía dưới.
+ Đặc điểm hình thái
Bướm đực màu nâu vàng, bướm cái màu vàng nhạt. Giữa mỗi cánh có một chấm đen rõ. Ở cuối bụng con cái có một chùm lông màu vàng nhạt dùng để phủ lên trứng sau khi đẻ. Trứng hình bầu dục, nhỏ, màu trắng được đẻ thành từng ổ. Mỗi ổ trứng trung bình có từ 30 – 100 trứng. Sâu non có 5 tuổi, màu trắng sữa, đầu màu nâu nhạt. Nhộng màu vàng nhạt.
+ Đặc điểm sinh học và quy luật phát sinh
Trưởng thành ban ngày ẩn nấp trong đám lá rậm rạp gần măt nước, hoạt động mạnh khi vừa tối. Trưởng thành ưa ánh sáng đèn, thường vào đèn nhiều trong những đêm không có trăng, trời ít gió. Ngài có thể giao phối ngay trong đêm sau khi vũ hoá. Sau giao phối, đêm thứ 2 có thể bắt đầu đẻ trứng và đẻ từ 2 đến 6 đêm liền, mỗi bướm cái có thể đẻ 3 - 6 ổ trứng. Trên bề mặt ổ trứng có lông màu vàng nhạt phủ kín. Trứng được đẻ ở mút lá thời kỳ mạ, ở giữa lá thời kỳ lúa đẻ nhánh.
Sâu non mới nở di chuyển bằng cách nhả tơ hoặc bò trực tiếp xuống nách lá rồi đục vào bẹ lá. Sâu non nhả tơ bịt kín lỗ đục để nước không chui vào. Sâu non hóa nhộng ở gần gốc lúa. Trước khi hoá nhộng, sâu non đục lỗ ở thân cây lúa, chừa lại 1 lớp biểu bì mỏng để khi vũ hoá chui ra.
Ở nhiệt độ 26 - 30oC, thời gian phát dục của các giai đoạn như sau :
- Trứng: 6 - 8 ngày
- Sâu non: 25 - 33 ngày .
- Nhộng: 8 - 10 ngày
- Bướm đẻ trứng: 3 - 5 ngày
+ Biện pháp phòng trừ
- Khi thu hoạch cắt sát gốc, cày lật đất để hạn chế nhộng nằm trong gốc rạ.
- Thời vụ gieo sạ tập trung, đồng loạt
- Sạ mật độ thấp, không bón nhiều phân đạm.
- Ngắt ổ trứng.
- Nếu sâu non gây hại ở thời kỳ lúa còn non nên tập trung chăm sóc, có thể bón thêm phân tạo điều kiện cho nhánh phát triển cho bông hữu hiệu.
- Theo dõi thường xuyên trên ruộng. Những vùng thường bị sâu hại nặng trong những vụ trước nếu thấy bướm rộ có thể sử dụng thuốc hạt để rải như: Thuốc rải: Diazinon (Diazan 10 GR, Vibasu 10GR, Basitox 10GR,…); Cartap (Vicarp 4GR, Padan 4GR,…); Carbosulfan (Vifu - super 5 GR, Marshal 5GR,..);…. (chú ý giữ mức nước trong ruộng từ 3-5cm)
Thuốc phun Diazinon (Diazan 50EC, Vibasu 50EC, Basitox 40EC,…) ; Cartap (Vicarp 95SP, Padan 95SP,…); Abamectin ( Vibamec 3.6EC,…); Virtako 40WG;….
+ Triệu chứng
Bọ xít đen chích hút nhựa cây ở phần gốc lúa làm cây lúa sinh trưởng kém, lá có màu vàng đến nâu đỏ, khi bị gây hại nặng cây lúa khô cháy giống như cháy rầy nâu. Nếu bọ xít đen gây hại ở giai đoạn đòng - trỗ thì cây lúa sẽ không trỗ bông hoặc bị lép như hiện tượng bông bạc ở sâu đục thân. Bọ xít đen còn chích hút bông lúa giai đoạn ngậm sữa. Khi hạt bị chích hút hạt sẽ bị lép lửng và có những chấm màu đen.
+ Đặc điểm hình thái
Bọ xít trưởng thành thân hình bầu dục, toàn thân nhìn chung màu đen, bàn chân và râu màu nâu tro, mắt đơn màu đỏ nhạt. Bọ xít đen có 5 tuổi, khi mới nở hình hơi tròn, màu đỏ nâu, không có cánh. Trứng hình cốc, màu xanh hồng, gần nở chuyển sang màu nâu đỏ hoặc xám.
+ Đặc điểm sinh học và quy luật phát sinh
Cả trưởng thành và bọ xít non ban ngày sợ ánh nắng do đó thường ẩn náu phía dưới gốc lúa. Buổi chiều tối hoặc những ngày râm mát bò lên phía trên để phá hại. Trưởng thành khi bị khấy động tiết ra mùi hôi. Bọ xít giao phối lúc chiều tối, mỗi con cái có thể giao phối 4 – 5 lần, sau khi giao phối 7 ngày thì đẻ trứng. Mỗi con cái trung bình trên dưới 200 trứng. Bọ xít đẻ trứng thành từng hàng trên bẹ lá cách mặt đất hoặc nước khoảng 10cm, cũng có thể đẻ trên chóp lá hoặc cỏ dại. Nếu trứng bị ngâm trong nước 24 giờ thì trứng bị ung không nở.
Bọ xít non mới nở sống tập trung bên ổ trứng, hoạt động chậm chạp. Sau lần lột xác thứ nhất thì bắt đầu phân tán, nấp dưới khóm lúa để hút nhựa cây. Từ tuổi 3 trở đi bọ xít non có tập quán sinh sống giống trưởng thành.
Thời gian phát dục của bọ xít đen
- Trứng: 3 – 8 ngày
- Bọ xít non: 35 – 53 ngày.
- Bọ xít trưởng thành: 10 tháng.
Bọ xít đen thường phát sinh gây hại nặng ở những ruộng sạ sớm hoặc muộn trong vùng, ruộng sạ dày, bón thừa đạm, ruộng nhiều cỏ dại.
+ Biện pháp phòng trừ
Bọ xít đen là đối tượng dịch hại khó phòng trừ. Để hạn chế sự lây lan trên diện rộng cần áp dụng nhiều biện pháp một cách đồng bộ và có tổ chức.
* Vệ sinh đồng ruộng
Ruộng bị bọ xít đen gây hại cần đốt gốc rạ ngay sau khi thu hoạch. Cày lật gốc rạ, phát dọn bờ bụi, lùm cây quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của bọ xít đen. Phát hiện và diệt trừ bọ xít đen khi chúng trú ngụ thành bầy, đàn ở bãi hoang, bờ bụi, ruộng đậu, bắp đã thu hoạch.
* Biện pháp canh tác
- Những vùng thường bị bọ xít đen gây hại không nên gieo liên tiếp 3 vụ lúa trong năm. Cần có thời gian cách ly thích hợp giữa 2 vụ lúa. Thời vụ gieo sạ tập trung.
- Mặt ruộng trước khi gieo sạ cần làm bằng phẳng để dễ điều tiết nước, hạn chế bọ xít đen tập trung gây hại ở những chỗ gò cao khô nước.
- Khi phát hiện thấy mật độ bọ xít đen trưởng thành trong ruộng cao (nhất là lúc tỉ lệ bọ xít trưởng thành bắt cặp nhiều) cần hạ thấp mực nước trong ruộng khoảng 7 - 10 ngày để bọ xít đẻ trứng. Sau đó lấy nước vào ngâm khoảng 1 - 3 ngày sẽ có tác dụng làm ung trứng bọ xít. Biện pháp này có thể làm nhiều lần trên vụ.
* Biện pháp hóa học
Khi sử dụng thuốc hóa học cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng . Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sau: Diazinon (Diazan 50EC, Vibasu 50EC, Basitox 40EC,…); Lambda -cyhalothrin (Karate 2.5 EC,…); Quinalphos (Kinalux 25EC, Faifos 25EC,…); Cypermethrin (Arrivo 25EC, Cyper 25 EC, Cyperan 25EC, Cypermap 25EC, SecSaigon 50EC, Sherpa 25EC,…); Fenbis 25EC;...
Chú ý khi phun thuốc nên đi theo kiểu bao vây vòng tròn từ ngoài vào trong và trước khi phun nên lấy nước nhiều vào ruộng để bọ xít bò lên trên dễ dính thuốc.
B. Bệnh hại lúa
1. Bệnh đạo ôn Piricularia oryzae
+ Triệu chứng
Bệnh hại ở các bộ phận trên cây nhưng rõ nhất trên lá, cổ bông, đốt thân.
- Trên lá lúa: Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu. Ở giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh nâu đậm, phần tiếp giáp với mô khoẻ có màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau làm cho lá bị cháy.
- Trên đốt thân: Vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại. Các đốt thân gần gốc bị mục ra làm cho gốc bị gãy đổ.
- Cổ bông, cổ gié: Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen, đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng.
+ Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát sinh và gây hại của bệnh
Nấm tồn tại trên tàn dư cây trồng, lúa chét, cỏ dại. Bào tử thường phát sinh vào ban đêm. Tính gây bệnh thay đổi tuỳ theo giống và vùng điạ lý. Trong phòng thí nghiệm một vết bệnh đặc trưng có thể sản sinh được 4 - 5 ngàn bào tử trong một đêm và có thể kéo dài như vậy từ 1