Bệnh khảm lá virus hại sắn là loại bệnh nguy hiểm, có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV). Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên có nguy cơ gây hại nghiêm trọng làm giảm năng suất, chất lượng sắn. Bệnh đã gây hại nặng trên cây sắn tại Campuchia, lây lan sang Lào và các nước trong khu vực.
Tại Việt Nam, bệnh khảm lá sắn được phát hiện đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh vào tháng 6 năm 2017. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tới thời điểm tháng 7/2020, bệnh gây hại tại tất cả các vùng trồng sắn của hơn 19 tỉnh, thành phố, với diện tích là 60.406ha, ở các mức độ gây hại khác nhau.
Tại tỉnh Phú Yên, đến tháng 8/2020 bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh, gây hại với diện tích 13.545ha, trên nhiều giống, tỷ lệ bệnh 5-100% cây ở các địa phương trồng sắn trên địa bàn tỉnh. Đây là một loại bệnh virus rất nguy hiểm, hiện nay chưa có thuốc phòng trừ. Dự báo trong thời gian tới bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chế biến sắn trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án khôi phục sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh; nếu phát hiện bệnh khoanh vùng, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn theo đúng quy trình, nhằm ngăn chặn sự lây lan sang các vùng khác và các vụ sản xuất sau.
- Tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn người trồng sắn về cách nhận biết và quản lý biện pháp phòng trừ triệt để bệnh khảm lá sắn.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này để ngăn chặn kịp thời sự lây lan bệnh khảm lá sắn, khôi phục sản xuất trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và đề xuất các biện pháp chỉ đạo kịp thời.
2. Sở Khoa học và Công nghệ:
Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn. Huy động sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học tham gia công tác phòng, chống bệnh.
3. Sở Tài chính:
Căn cứ khả năng ngân sách phối hợp các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án khôi phục sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh; bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn theo quy định.
4. Sở Công Thương:
Tham mưu, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và chế biến tinh bột sắn trong điều kiện dịch bệnh; vận động, giám sát doanh nghiệp trong việc đầu tư liên kết sản xuất sắn trong vùng nguyên liệu.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tiếp tục thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn cấp huyện, cấp xã.
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 06/8/2018 về tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn.
- Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Khoa học và Công nghệ để triển khai có hiệu quả trong công tác phòng, chống, hạn chế lây nhiễm của bệnh khảm lá sắn:
+ Áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn, theo hướng dẫn Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại Công văn số 1605/BVTV-TV 21/7/2018 của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
+ Thực hiện rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để phát hiện và tổ chức phòng, chống bệnh khảm lá sắn kịp thời, hiệu quả.
+ Tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống sắn từ các vùng dịch bệnh về địa phương.
+ Tăng cường hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm việc mua bán, trồng giống sắn HLS11 ở các vụ sau.
+ Xây dựng các mô hình phòng, chống bệnh khảm; các mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh để hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện.
- Bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn.
6. Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến tinh bột sắn (Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân):
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn (cấp tỉnh, cấp huyện), UBND cấp xã để hướng dẫn người trồng sắn các biện pháp quản lý và phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn. Hỗ trợ kinh phí cho công tác tập huấn phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn, tiêu hủy các ruộng sắn đã bị nhiễm bệnh trong vùng nguyên liệu đã được quy hoạch cho các doanh nghiệp.
- Không được đầu tư, cung ứng giống sắn HLS11 trên địa bàn tỉnh; đồng thời không được du nhập các giống sắn đã bị bệnh khảm lá sắn tại các tỉnh khác về tỉnh Phú Yên.
- Du nhập, xây dựng các vùng sản xuất giống sạch bệnh để cung cấp cho người dân sản xuất.
7. Các hội đoàn thể tỉnh:
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện vận động hội viên, đoàn viên có sản xuất sắn triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn.
8. Các cơ quan truyền thông:
Phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại bệnh khảm lá virus hại sắn; biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung Chỉ thị này./.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Hữu Thế