Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, khả năng hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến các tháng đầu mùa hè với xác suất khoảng 50-60%, sau đó nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương có khả năng tăng dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Nhiệt độ từ tháng 5-6 và tháng 10/2022 phổ biến xấp xỉ so với so với trung bình nhiều năm, từ tháng 7-9/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 5 đến tháng 7/2022 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Vào tháng 8/2022, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm. Vào tháng 9/2022, tổng lượng mưa xấp xỉ so với TBNN. Dự báo từ nay đến cuối vụ Hè Thu năm 2022 tổng lượng mưa phổ biến từ 336÷500 mm, cao hơn TBNN khoảng từ 7÷9%. Trong tháng 5/2022, lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10-40%, có sông thấp hơn 60%. Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, trên các sông ở Trung Bộ xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Tổng dung tích hiện tại của các hồ chứa thủy lợi đạt 92% so với dung tích thiết kế (DTTK). Tỷ lệ dung tích hiện tại so với thiết kế, cao hơn 10% so với TBNN, cao hơn năm 2021 là 13%. Dự báo đủ nước cung cấp phục vụ sản xuất trong vụ Hè Thu 2022, khả năng xảy ra hạn cục bộ, hạn nhẹ tại một số khu vực xa hồ chứa.
Để chủ động chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2022 đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết; Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm sau đây:
1. Về lịch đóng, mở nước hệ thống thuỷ nông Đồng Cam
Thực hiện theo Thông báo số 18/TB-SNN ngày 14/4/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về đóng, mở nước các hệ thống thuỷ nông thuộc Công ty TNHH MTV Thuỷ nông Đồng Cam quản lý năm 2022 (Thông báo 18/TB-SNN ).
2. Về rà soát, khoanh vùng sản xuất trồng trọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ
Các địa phương, cơ sở sản xuất cần tiến hành rà soát diện tích sản xuất lúa, chủ động cân đối nguồn nước, khoanh vùng sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất cho từng vùng (xứ đồng) theo định hướng sau:
- Vùng chủ động và an toàn về nguồn nước: Chỉ đạo gieo sạ tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cao.
- Vùng có nguy cơ thiếu nước: Xây dựng phương án phòng chống hạn để chủ động khai thác sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu do hạn gây ra vào mùa khô; thực hiện chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày khác.
- Vùng không có khả năng tưới: Thực hiện chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cây trồng hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do nắng hạn gây ra.
3. Về sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2022
a) Làm đất, thời vụ gieo sạ
- Làm đất: Tập trung công tác cày ải sớm, kết hợp tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng; tổ chức các đợt ra quân đồng loạt diệt chuột, ốc bươu vàng và vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ. Ruộng gieo sạ cần đánh mương rãnh sâu để tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa.
- Về thời vụ gieo sạ: Chú ý thời gian đóng mở nước tại Thông báo 18/TB-SNN nêu trên; các địa phương, cơ sở sản xuất cần theo dõi diễn biến thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp. Khung thời vụ khuyến cáo như sau:
+ Khu vực chủ động tưới trong hệ thống thuỷ nông và các hồ đập gieo sạ từ ngày 20/5/2022 đến 10/6/2022 (nhằm ngày 20/4 – 12/5 Âm lịch). Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và điều kiện cụ thể bố trí gieo sạ gọn, tập trung theo từng vùng; để lúa trỗ bông tập trung khoảng sau tiết Lập Thu, thu hoạch gọn trước ngày 20/9/2022.
+ Đối với các địa phương nằm ở đầu kênh chính Bắc và kênh chính Nam thuộc Hệ thống thủy nông Đồng Cam (Phú Hòa, Tây Hòa) cần tập trung gieo sạ sớm trước ngày 30/5 (nước về đến đâu thì tiến hành làm đất gieo sạ ngay). Nếu gieo sạ muộn sẽ ảnh hưởng đến lịch gieo sạ của các địa phương nằm ở cuối Hệ thống thủy nông Đồng Cam (Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa và phía nam huyện Tuy An), dẫn đến lịch gieo sạ kéo dài (sau ngày 10/6), tiềm ẩn nguy cơ bị ngập lụt gây thiệt hại cuối vụ Hè Thu.
+ Các khu vực ngoài hệ thống thuỷ nông và các hồ đập có thể tiến hành gieo sạ từ đầu tháng 5 nhằm hạn chế tình trạng khô hạn, thiếu nước vào giữa vụ, ngập lụt vào cuối vụ sản xuất.
b) Cơ cấu giống lúa
- Những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc ngập úng vào cuối vụ: Bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn, hoặc giống cực ngắn ngày có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày.
- Đối với vùng chủ động có đủ nước tưới: Bố trí sản xuất những giống có thời gian sinh trưởng từ 90 - 95 ngày, giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh.
- Ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao có thị trường tiêu thụ; các giống lúa chịu hạn, mặn ở những vùng khó khăn về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
- Các xã, hợp tác xã chủ động bố trí 3-5% diện tích để sản xuất lúa giống cung ứng cho nhu cầu tại địa phương.
- Khuyến khích các hợp tác xã, nông dân sử dụng giống đạt tiêu chuẩn (siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận hoặc tương đương) để sản xuất lúa thương phẩm.
- Cơ cấu giống lúa khuyến cáo:
+ Các giống chủ lực: ĐV108, ML48, Đài thơm 8, ANS1 (An sinh 1399).
+ Các giống bổ sung: MT10, CH133, OM2695-2, QN9, ML213, ĐH815-6, BĐR27, TBR-1, BC15, Thiên Hương 6 (QNg6), HT1, Q5, Hương Châu 6, VNR20, OM4900, OM5451, TBR225, PY8, PY10...
+ Các giống triển vọng: QNg13, QNg128, Hà Phát 3, HL5, ST24, BĐR79, TBR97, BĐR57, BĐR17, BĐR999; các giống lúa đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành trong sản xuất; ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, giống lúa chịu mặn, chịu hạn ở những vùng khó khăn.
c) Lượng giống lúa gieo sạ
Áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ xuống dưới 100 kg/ha; vùng chủ động tưới tiêu nước có thể sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý với lượng giống 80 kg/ha đối với giống lúa thuần và lượng giống 40 kg/ha đối với giống lúa lai.
d) Liều lượng phân bón
- Phân hữu cơ: Hướng dẫn và vận động nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón ruộng, cải tạo độ phì, lượng bón 5-10 tấn/ha phân hoai mục; hoặc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh… theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Phân vô cơ: Bón phân theo đúng qui trình kỹ thuật, bón cân đối hợp lý, đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ. Đối với lúa thuần, bón cho một hecta là 200-220 kg đạm urea, 300-320 kg lân, 80-100 kg kali; đối với lúa lai, bón tăng thêm 10-15%. Lượng phân bón có thể tăng giảm tùy giống và tình hình sinh trưởng, phát triển của ruộng lúa (có thể tăng lượng phân kali đối với giống dài ngày). Nếu sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho lúa, thì liều lượng bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Tập trung 4 lần bón, gồm bón lót và 3 lần thúc, thời gian bón tuỳ thuộc thời gian sinh trưởng của mỗi giống, chú ý không bón lót phân đạm vì dễ bị phân huỷ. Khuyến cáo sử dụng các loại phân đơn để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
e) Phòng trừ dịch hại cây lúa
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện công tác phòng trừ dịch hại. Đẩy mạnh áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “Ba giảm ba tăng”, “Một phải năm giảm”, “Công nghệ sinh thái”; tích cực hưởng ứng chiến dịch “Tháng diệt chuột”...
- Tập trung quản lý cỏ dại, chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ sản xuất; phổ biến các biện pháp diệt cỏ, chuột và ốc bươu vàng có hiệu quả để nông dân biết, thực hiện.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu, giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa và các đối tượng dịch hại chính trong vụ Hè Thu như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt… để chủ động quản lý và phòng trừ kịp thời, hiệu quả cao.
4. Về sản xuất đối với cây trồng khác
- Tuỳ theo điều kiện đất đai, nước tưới, tình hình thị trường tiêu thụ và tập quán canh tác để bố trí cây trồng hợp lý.
- Bố trí gieo t